Nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G:
“Nếu nhà mạng khai láo, sai quy định sẽ bị xử lý”
(Dân trí) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng về vấn đề liên quan đến việc 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone, Viettel đồng loạt tăng giá cước 3G trong ngày 16/10 vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 10 tại Bộ TT&TT
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 10 tại Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), nói về việc ba nhà mạng lớn vừa đồng loạt tăng giá cước 3G gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã khẳng định đợt điều chỉnh giá cước 3G vừa qua, Bộ đã áp dụng theo các quy định từ Luật Viễn thông; Luật giá và điều 5 Nghị định 25. Theo đó, giá cước phải xây dựng trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng kinh tế khu vực. Đặc biệt, các doanh nghiệp viễn thông có thị phần khống chế không được bán quá thấp giá cước dưới giá thành. Luật Cạnh tranh cũng quy định rất rõ, chỉ cho phép các doanh nghiệp bán giá cước dưới giá thành trong một thời gian nhất định chứ không phải để phá giá trong một thời gian dài.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết trong tuần này, Cục Viễn thông sẽ làm việc cùng với Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương) và các doanh nghiệp viễn thông để kiểm tra theo Công văn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu xem xét liệu có hay không ba nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường vi phạm pháp luật về cạnh tranh khi đồng loạt tăng cước 3G từ 50.000-70.000 đồng/tháng.
Thứ trưởng Thắng cho biết, sau khi các bên làm việc với nhau, cũng trong tuần này, Bộ TT&TT sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề này, bao gồm các sở cứ của việc tăng giá cước 3G, và cả những điều luật đã ban hành trong việc quản lý thị trường viễn thông.
Ông Thắng cho biết, mọi thông tin trong báo cáo Chính phủ sẽ đươc Bộ TT&TT công bố ngay sau đó.
Trả lời báo chí bên lề Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 10, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết tính đến hết năm 2012, các nhà mạng đã phải đầu tư ngân sách lên tới gần 30.000 tỷ đồng với 44.000 trạm BTS để phát triển hệ thống mạng 3G nhưng chưa thu được bao nhiêu.
“Luật Viễn thông không cho phép doanh nghiệp lấy doanh thu từ dịch vụ này bù cho dịch vụ kia. Vì có những doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ 2G, có doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ cố định. Nếu doanh nghiệp này lấy dịch vụ có lãi bù cho dịch vụ lỗ thì doanh nghiệp chỉ làm dịch vụ cố định thì không thể nào cạnh tranh được. Do đó, Luật Viễn thông quy định không được bù chéo”, Thứ trưởng cho biết.
Hiện tại Bộ đã có đầy đủ thông tin về giá thành dịch vụ 3G của các nhà mạng. Theo Cục Viễn thông, giá thành dịch vụ 3G của 3 nhà mạng lớn đầu tư hơn 167 đồng/MB truy cập, trong khi giá cước trung bình là 100 đồng/MB. Giá cước 3G trung bình trong khu vực là 360 đồng/MB, tức cao hơn gấp 3,6 lần so với giá cước 3G tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp báo cáo láo, sai quy định thì sẽ bị xử lý. Nếu những việc làm của doanh nghiệp không đúng nhưng lại đưa vào hạch toán thì sẽ phải thanh tra theo quy định.
Thứ trưởng cho biết Bộ có định kỳ thanh kiểm tra hàng năm đối với các doanh nghiệp viễn thông. Được biết, Bộ đang tiến hành xây dựng và chốt quy chuẩn cuối cùng đối với chất lượng dịch vụ dữ liệu trên di động vốn vẫn là vấn đề gây tranh cãi bởi có đôi khi dù cột sóng 3G rất tốt nhưng hầu như không thể truy cập được.
Khôi Linh