Bộ TT&TT chỉ đạo nhà mạng đề xuất gói cước dịch vụ OTT

(Dân trí) - Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son vừa ra Chỉ thị số 75/BTTTT yêu cầu các nhà mạng chủ động nghiên cứu và thử nghiệm mô hình hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ điện thoại, nhắn tin miễn phí trên Internet (OTT).

Bộ TT&TT chỉ đạo nhà mạng đề xuất gói cước dịch vụ OTT

Các nhà mạng phải chủ động hợp tác với các dịch vụ OTT và đưa ra các gói cước cho những người dùng dịch vụ này.

Ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son đã ký chỉ thị số 75/BTTTT Về tăng cường quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông quốc tế.

Chỉ thị nêu rõ trong thời gian qua, dịch vụ viễn thông quốc tế, đặc biệt là dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về và dịch vụ thông tin di động chuyển vùng quốc tế chiều về có bước phát triển mạnh mẽ cả về doanh thu và lưu lượng, trong khi chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, giá cước ngày càng giảm, mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng dịch vụ và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Son cho rằng bên cạnh những ưu điểm tích cực, do mức độ cạnh tranh gay gắt và biến động thị trường, việc kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế cũng nảy sinh nhiều bất cập, như việc cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức phá giá, khuyến mại, chiết khấu lớn sai quy định; nợ động cước trong thanh toán quốc tế; kinh doanh trái phép và trộm cắp cước dịch vụ diễn biến phức tạp. Tình hình đó đã làm cho việc kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế kém hiệu quả, ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, của người sử dụng và nhà nước.

Nói về dịch vụ nhắn tin miễn phí trên Internet (OTT), Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu Cục Viễn thông nghiên cứu tìn hình phát triển công nghệ, dịch vụ mới, đặc biệt là OTT để đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinhd oanh dịch vụ viễn thông nói chung, dịch vụ viễn thông quốc tế nói riêng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ, hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.

Chỉ thị cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải chủ động nghiên cứu và thử nghiệm mô hình hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ OTT. Bộ trưởng yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải xem xét và đề xuất với Cục Viễn thông giá cước dịch vụ truy cập Internet trên di động và các gói cước áp dụng với dịch vụ OTT nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, cũng như của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.

Câu chuyện về OTT là chủ đề được bàn đến rất nhiều trong thời gian qua. Tại các cuộc hội thảo gần đây, các nhà mạng đều kêu trời vì cho rằng các dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí OTT đã khiến họ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình, MobiFone lên tiếng mỗi năm nhà mạng này thất thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng do OTT. Trong khi đó, đại diện VNPT cũng lên tiếng cho rằng OTT đã làm thiệt hại từ 9-10% doanh thu của tập đoàn. Còn về phía Viettel, trong Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 do Bộ TT&TT tổ chức, nhà mạng quân đội cũng kiến nghị Bộ xem xét việc quản lý các dịch vụ OTT vì những cuộc gọi diện, nhắn tin miễn phí đã làm giảm doanh thu của Viettel đến hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Trong đợt điều chỉnh giá cước 3G ngày 16/10 vừa qua, các nhà mạng đều khẳng định việc tăng gói cước Internet di động không giới hạn từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng không phải do tác động của OTT mà bởi vì giá cước dịch vụ đang ở mức quá thấp so với giá thành. Tuy nhiên, giới chuyên gia về viễn thông đều cho rằng đây là một bước đi nhằm đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của OTT. Việc tăng giá cước một cách thống nhất giữa 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel càng khiến dư luận bức xúc. Nhiều người đã cho rằng nếu OTT tác động mạnh mẽ đến các nhà mạng thì cách tốt nhất là các doanh nghiệp nên đưa ra các gói cước riêng dành cho những người sử dụng dịch vụ OTT. Lúc này những người không sử dụng dịch vụ OTT sẽ không bị ảnh hưởng từ việc tăng giá cước toàn cục.

Khôi Linh