"Cơn ác mộng" của Google

Thế Anh

(Dân trí) - Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) vừa gửi tài liệu lên tòa án, kêu gọi Alphabet (công ty mẹ của Google) bán trình duyệt Chrome như một biện pháp khắc phục vụ kiện chống độc quyền.

Theo hồ sơ gửi lên tòa án, DOJ cho rằng việc chia tách này sẽ "vĩnh viễn ngăn chặn quyền kiểm soát của Google đối với việc thiết lập công cụ tìm kiếm của công ty và cho phép các công cụ tìm kiếm của đối thủ có khả năng truy cập vào trình duyệt".

Cơn ác mộng của Google - 1

Google cho biết họ sẽ kháng cáo đối với phán quyết độc quyền (Ảnh: CNBC).

Đây được xem là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến chống độc quyền kéo dài nhiều năm nhằm chống lại Google. Vào tháng 8, một thẩm phán liên bang đưa ra phán quyết rằng Google đã duy trì vị thế độc quyền bất hợp pháp trong mảng tìm kiếm trực tuyến.

Chrome được Google cho ra mắt vào năm 2008. Trình duyệt này cung cấp cho gã khổng lồ tìm nguồn dữ liệu người dùng, sau đó Google có thể sử dụng dữ liệu này để nhắm mục tiêu quảng cáo. DOJ cho biết việc buộc Google bán Chrome sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng hơn trong lĩnh vực tìm kiếm.

"Để khắc phục những tác hại trên, Google được yêu cầu thoái vốn khỏi Chrome. Điều này sẽ vĩnh viễn ngăn chặn Google kiểm soát công cụ quan trọng này và cho phép đối thủ có khả năng truy cập trình duyệt, nơi mà nhiều người dùng sử dụng như cổng vào Internet", hồ sơ dài 23 trang nêu rõ.

Ngoài ra, DOJ cũng cho biết Google nên bị ngăn không cho tham gia vào các thỏa thuận với các bên thứ ba như Apple và Samsung. Đồng thời, Google nên bị cấm cung cấp dịch vụ tìm kiếm ưu tiên trong các sản phẩm khác của công ty.

Doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm chiếm 49,4 tỷ USD trong quý III của Alphabet. Con số này tương đương 75% tổng doanh số quảng cáo trong giai đoạn này.

Bên cạnh lời kêu gọi Google bán Chrome, DOJ còn muốn công ty tìm kiếm này phải thoái vốn khỏi hệ điều hành di động Android, nhằm mục đích gia tăng tính cạnh tranh cho thị trường.

Sau thông tin trên, cổ phiếu của Google đã giảm 4%. Google cho biết họ sẽ kháng cáo đối với phán quyết độc quyền.