1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Cổ phiếu vụt tăng, BlackBerry vẫn bán tháo tài sản để vượt khó

(Dân trí) - Mặc dù những ngày đầu năm 2014 đã xuất hiện nhiều tin vui đến với BlackBerry nhưng khủng hoảng trên thị trường smartphone vẫn buộc BlackBerry phải bán tháo tài sản của mình, chủ yếu là bất động sản sở hữu tại Canada, để cân bằng tài chính của công ty.

Sau một năm 2013 đáng quên và đầy thất vọng, BlackBerry bước sang năm 2014 với nhiều tin vui dồn dập.

Đầu tiên là thỏa thuận BlackBerry đạt được với hãng điện tử Trung Quốc Foxconn, hãng sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị điện tử lớn nhất thê giới. Với thỏa thuận này hợp tác có thời hạn 5 năm này, Foxconn sẽ giúp phát triển và sản xuất một vài thiết bị nhất định của BlackBerry, chủ yếu là các sản phẩm nhắm vào thị trường đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.

Sau khi được thỏa thuận với Foxconn được công bố đã giúp giá cổ phiếu của BlackBerry tăng lên đến 30%.

Chưa dừng lại ở đó, tin vui đã tiếp tục đến với BlackBerry khi hãng điện thoại này đạt được hợp đồng cung cấp smartphone cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo đó, Lầu Năm Góc đưa ra thông báo vào tuần trước sẽ cung cấp hàng chục ngàn thiết bị di động cho các nhân viên của mình cho đến năm 2015, trong đó có khoảng 1.800 thiết bị là iPad 3, iPad 4, iPhone 4S và iPhone 5; máy tính bảng Galaxy Tab 10.1 của Samsung và điện thoại RAZR của Motorola, số còn lại là smartphone của BlackBerry. Theo nhiều nguồn tin, số lượng sản phẩm mà BlackBerry sẽ cung cấp cho Lầu Năm Góc có thể lên đến con số 80.000 thiết bị.

Thông tin này lập tức đẩy giá trị cổ phiếu của BlackBerry tăng lên mức 10,57USD/cổ phiếu so với mức 9,93USD/cổ phiếu của ngày hôm trước. Mức giá này tăng hơn 35% so với thời điểm cuối năm 2013, khi giá cổ phiêu của BlackBerry ở mức 7USD.

Trong các năm qua, chính phủ nhiều nước đã tin tưởng lựa chọn sản phẩm của BlackBerry cho các cơ quan nhà nước vì các thiết bị này đáp ứng được yêu cầu bảo mật. Bản thân Lầu Năm Góc từ lâu cũng đã được xem là “bạn hàng tin cậy” của BlackBerry.

Những tin vui liên tục đến với hãng điện thoại Canada như một “liều thuốc an thần” để các nhà đầu tư có thể tin tưởng hơn vào tương lai của hãng điện thoại này, đặc biệt dưới sự dẫn dắt của CEO mới John Chen, người nổi tiếng với khả năng vực dậy các công ty bên bờ vực phá sản.
 
Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, BlackBerry vừa ra thông báo công ty sẽ dự định thoái vốn tại các dự án bất động sản mà hãng công nghệ này đang có cổ phần, như một cách để tìm kiếm nguồn vốn nhằm tái đầu tư công ty hiện đang gặp khó khăn. 

BlackBerry dự kiến sẽ bán đi gần 280 ngàn mét vuông đất văn phòng. Mặc dù hãng điện thoại từ chối cung cấp thông tin số tiền mà mình sẽ thu được sau khi bán đi số bất động sản của mình nhưng dựa trên giá bất động sản tại Canada, các chuyên gia dự đoán BlackBerry sẽ thu về được số tiền khoảng 600 đến 700 triệu USD.

BlackBerry buộc phải bán đi bất động sản để tập trung đầu tư vào công nghệ
BlackBerry buộc phải bán đi bất động sản để tập trung đầu tư vào công nghệ

Thông báo bán tháo bất động sản của BlackBerry được đưa ra chỉ một tháng sau khi công ty chấp nhận bán đi 5 tòa nhà và một số đất của mình cho Trường đại học Waterloo (Ontario, Canada) với giá 37,5 triệu USD. Trường Đại học Waterloo cho biết sau khi thương vụ hoàn tất sẽ mang lại cho trường này thêm 27.870 mét vuông đất và 1.000 chỗ đậu xe.

Động thái bán tháo bất động sản của BlackBerry được cho là nhằm tìm kiếm nguồn vốn nhằm tái cấu trúc công ty dưới sự dẫn dắt của CEO mới John Chen. Tuy nhiên, động thái này cũng khiến giới đầu tư hồ nghi và đặt ra câu hỏi liệu BlackBerry có còn tiếp tục đặt trụ sở tại Canada hay tìm kiếm trụ sở chính tại một quốc gia khác.

Để trấn an dư luận và các nhà đầu tư, CEO John Chen của BlackBerry đã đưa ra thông báo cam kết BlackBerry vẫn sẽ tiếp tục đặt trụ sở chính tại Waterloo và vẫn sẽ có một sự hiện diện mạnh mẽ tại Canada sau khi công ty bán đi các bất động sản mình sở hữu tại đây.

“Động thái bán tài sản nhằm tăng cường tính linh hoạt tài chính của BlackBerry và sẽ cung cấp thêm nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của chúng tôi tiếp tục phát triển”, John Chen cho biết trong thông báo được đưa ra.

Đây không phải là lần đầu tiên BlackBerry phải bán đi tài sản mình đang sở hữu để tìm kiếm nguồn vốn. Trước đó hồi tháng 7/2012, RIM (tên gọi cũ của BlackBerry) đã buộc phải bán đi 1 trong 2 chiếc máy bay riêng mà RIM sở hữu dùng để chuyển chở ban lãnh đạo của công ty nhằm cắt giảm chi phí hoạt động.

Hành động bán bất động sản của BlackBerry khiến nhiều người liên tưởng đến tình cảnh bi đát tương tự của Nokia, khi hãng điện thoại Phần Lan cũng đã buộc phải bán cả trụ sở chính của hãng vào hồi tháng 12/2012 để tìm kiếm nguồn vốn, nhưng cũng không đủ để vượt qua khủng hoảng trước khi bị Microsoft thâu tóm sau đó ít tháng.

Tình cảnh hiện tại của BlackBerry cũng không khác so với Nokia, khi mà nền tảng BlackBerry 10 vốn được xem là “phao cứu sinh” cho công ty không đáp ứng được kỳ vọng. Tháng trước, giá cổ phiếu của BlackBerry rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây trên thị trường cổ phiếu Toronto. 


 
T.Thủy