Có nên lắp nhiều dàn lạnh điều hòa chung cục nóng để tiết kiệm diện tích?
(Dân trí) - Một số chuyên gia về điện lạnh khuyến cáo người sử dụng nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua điều hòa lắp chung cục nóng, vì ngoài những ưu điểm, hệ thống này còn có khá nhiều điểm bất tiện.
Vài năm trở lại đây ở Việt Nam, nhiều gia đình, đặc biệt là các căn hộ chung cư, đã lắp chung một cục nóng điều hòa cho nhiều dàn lạnh (còn gọi là điều hòa multi) để tiết kiệm diện tích lô gia, cũng như tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Theo một số chia sẻ từ các gia đình lắp điều hòa multi, hệ thống này hoạt động khá hiệu quả, làm mát tốt, ít gây tiếng ồn, tiết kiệm điện, và quan trọng nhất là cục nóng chiếm ít diện tích.
Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về điều hòa multi trong bài viết dưới đây.
Cấu tạo của điều hòa multi
Anh Hải, một thợ điện lạnh giàu kinh nghiệm, cho biết điều hòa multi, về cơ bản, có cấu tạo không khác so với điều hòa thông thường. Một hệ thống điều hòa vẫn gồm có 2 bộ phận chính là dàn nóng và dàn lạnh. Tuy nhiên, thay vì tỷ lệ 1 dàn nóng đi kèm 1 dàn lạnh, điều hòa multi cho phép người dùng tích hợp lên tới 4-5 cục nóng vào một.
"Sự thay đổi về cấu tạo giúp giảm tải cho khu vực lắp dàn nóng, đồng thời giảm tiếng ồn, do số lượng dàn nóng được giảm xuống mức tối thiểu", anh Hải cho biết.
Việc giảm diện tích lắp cục nóng cho phép các gia đình có thêm chỗ trống để làm những việc khác, như lắp/đặt dàn phơi, trồng cây,… hoặc đơn giản là giúp không gian thoáng hơn.
Thậm chí, với một số chung cư có diện tích lô gia nhỏ, việc sử dụng điều hòa multi có thể được xem là giải pháp duy nhất để đảm bảo rằng các phòng đều có dàn lạnh.
Mỗi dàn lạnh của điều hòa multi có cơ chế hoạt động riêng biệt, không ảnh hưởng đến nhau. Điều này cho phép cài đặt mức nhiệt độ khác nhau cho từng phòng. Ví dụ, với các căn phòng có nhu cầu làm lạnh cao, như phòng khách hay phòng ăn, máy nén sẽ tập trung để được làm lạnh nhanh và sâu hơn. Trong khi đó, vào buổi tối, công suất của hệ thống sẽ được dồn vào các phòng ngủ để đảm bảo hiệu năng mang lại.
Vì thế, theo đánh giá của anh Đạt, một chuyên gia về điện lạnh, điều hòa multi có ưu điểm là tiết kiệm điện.
Chi phí và sửa chữa
Nếu như hiệu suất là ưu điểm khiến chúng ta cân nhắc với điều hòa multi, thì chi phí lắp đặt, cũng như khả năng sửa chữa của loại thiết bị này là một điểm trừ khá lớn. Riêng cục nóng của hệ thống này đã có giá trên dưới 30 triệu đồng.
Lấy ví dụ, với một căn hộ có 2 phòng ngủ và 1 phòng khách, nếu đắp điều hòa đơn, một chiều, thì tổng chi phí rơi khoảng 30 triệu đồng, gồm 2 máy công suất 9000 BTU và 1 máy công suất 18000 BTU. Tuy nhiên, cũng với công suất tương tự, nếu lắp đặt điều hòa multi thì chi phí cho toàn bộ hệ thống có thể lên tới 60 triệu đồng.
Ngoài ra, do kết cấu chỉ sử dụng 1 dàn nóng cho nhiều dàn lạnh, nên trong quá trình sử dụng, khi cần kiểm tra và sửa chữa dàn nóng thì toàn bộ dàn lạnh ở các phòng phải tạm dừng hoạt động.
Một nhược điểm nữa là có khá ít sự lựa chọn, vì trên thị trường không có nhiều nhãn hàng cung cấp dòng điều hòa multi.
Trao đổi với Dân trí, đại diện một chuỗi siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội cho biết do điều hòa multi không có nhiều khách mua, nên các đơn vị thường ít cung cấp và không hỗ trợ lắp đặt loại hệ thống này.
Trong khi đó, đa số hệ thống điều hòa multi trên thị trường hiện nay là hàng nhập khẩu nguyên chiếc, nên trong quá trình sử dụng, nếu không may có sự cố hỏng hóc, thì sẽ rất khó tìm linh kiện thay thế, hoặc giá của linh kiện rất đắt đỏ.
Mặc dù không thể phủ nhận những ưu điểm mà dòng điều hòa này mang lại, như tiết kiệm điện, tổng chi phí lắp thấp hơn, hiệu quả làm lạnh cao…, nhưng vẫn còn một số nhược điểm cần nắm rõ trước khi đưa ra lựa chọn; đó là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, khó sửa chữa, thay thế nếu không may gặp sự cố.
Nhìn chung, điều hòa multi sẽ là giải pháp phù hợp với các căn hộ chung cư hạn chế diện tích để cục nóng, hơn là nhà mặt đất.