Ciena sắp mang tới cho người dùng Việt hệ thống mạng quang nhanh nhất thế giới
(Dân trí) - "Những công nghệ tân tiến mà Ciena đang cung cấp cho các nhà mạng hàng đầu thế giới ở các nước phát triển cũng đang được ứng dụng tại Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng trong 3 tháng tới, công nghệ 800Gbps/1 bước sóng sẽ được đưa vào Việt Nam và được các nhà mạng vận hành để cung cấp dịch vụ cho người dùng", ông Dương Xuân Trường, Giám đốc Ciena tại Việt Nam cho biết.
Công nghệ 800Gbps/1 bước sóng sẽ được đưa vào Việt Nam trong 3 tháng tới
Internet ở Việt Nam trong những năm gần đây phát triển rất nhanh với tốc độ bùng nổ về cả số thuê bao lẫn băng thông. Song song với đó, nhu cầu sử dụng trong công việc và đời sống của khách hàng cũng tăng cao đáng kể.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người dùng có nhu cầu sử dụng mạng tăng vọt, nhưng đa số họ đều mong muốn chi phí thấp do thu nhập của họ bị giảm sút.
Các nhà mạng hiểu rõ vấn đề này của người dùng, và Ciena - "ông lớn" trong lĩnh vực truyền dẫn thế giới cũng hiểu được vấn đề của các nhà mạng.
Ông Dương Xuân Trường, Giám đốc Ciena tại Việt Nam cho biết, Ciena Việt Nam đã và đang đồng hành cùng các nhà mạng và Chính phủ nhằm cung cấp cho người dùng công nghệ mới có tốc độ và chất lượng cao hơn, độ trễ ít hơn, mà giá thành rẻ hơn, để giải quyết bài toán này.
Cụ thể như vừa qua, Ciena đã đồng hành cùng các nhà mạng hàng đầu Việt Nam nâng cấp băng thông Internet. Là đối tác hàng đầu trong lĩnh vực truyền dẫn, Ciena đưa ra các giải pháp giúp cho các nhà mạng đáp ứng được nhu cầu tăng cao của khách hàng trong giai đoạn này.
Đáng chú ý, Ciena là nhà cung cấp giải pháp cho FPT Telecom với dự án xây dựng mạng quang đô thị (Metro DWDM) Hà Nội - Sài Gòn. Được biết, mạng metro này có khả năng chạy các bước sóng 200 - 400Gbps, đây cũng là tốc độ ở mức hàng đầu thế giới và đang được Ciena cung cấp cho các nhà mạng lớn trên toàn cầu.
"Sắp tới đây, chúng tôi mong muốn cung cấp công nghệ 800Gbps/1 bước sóng cho mạng metro. Việc những công nghệ đó đang dần được đưa vào Việt Nam cũng có nghĩa là công nghệ, viễn thông Việt Nam đang tiệm cận các nước phát triển trên thế giới ở những lĩnh vực như truyền dẫn, tự động hóa mạng, điều khiển mạng bằng phần mềm,.v.v.", ông Trường cho hay.
Được biết, công nghệ 800Gbps/1 bước sóng được Ciena đưa ra mới chỉ 1 năm và đã bắt đầu được đưa vào Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, Ciena đã cung cấp hơn 6.000 hệ thống cho các nhà mạng trên thế giới và có hơn 75 khách hàng đang sử dụng công nghệ này.
"Việt Nam có tốc độ tiếp cận rất nhanh. Những công nghệ tân tiến mà Ciena đang cung cấp cho các nhà mạng hàng đầu thế giới ở các nước phát triển cũng đang được ứng dụng tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng trong 3 tháng tới, công nghệ 800Gbps/1 bước sóng sẽ được đưa vào Việt Nam và được các nhà mạng vận hành để cung cấp dịch vụ cho người dùng", ông Trường chia sẻ thêm.
ARPU sẽ được nâng cao với công nghệ 5G
Bên cạnh việc các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ nhau phát triển thì trong thời gian qua, các chính sách của Chính phủ cũng mang tính thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu phát triển và sản xuất. Trong bối cảnh đó, Ciena luôn hợp tác với Chính phủ và các Tập đoàn để hỗ trợ tối đa.
"Hằng năm, chúng tôi tổ chức các buổi hội thảo về xu thế công nghệ, chúng tôi luôn mong muốn các Tập đoàn và Chính phủ làm việc với chúng tôi, đi thăm quan các cơ sở nghiên cứu phát triển để chúng tôi có cơ hội giới thiệu những phát minh sáng chế cũng như công nghệ cao nhất. Đó là cách mà Ciena chia sẻ về xu thế của công nghệ và cùng nhau phát triển", ông Trường cho hay.
Về việc triển khai 5G tại Việt Nam, đại diện Ciena chia sẻ rằng hiện tại, các nhà mạng cũng đang rất khẩn trương chuyển đổi hạ tầng mạng để triển khai 5G một cách tốt nhất.
Đáng nói, dù Chính phủ và các bên Doanh nghiệp dốc sức đầu tư và tạo điều kiện cho việc phát triển 5G tại Việt Nam nhưng khi nói về ARPU (Doanh thu trung bình trên một khách hàng) thì lâu nay, ARPU của Việt Nam chưa được cao, đặc biệt so với các nước phát triển và thậm chí là các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Trường nhận định rằng, các nhà mạng hàng đầu Việt Nam đã làm rất tốt việc cân bằng giữa ARPU với chi phí đầu tư cũng như hiệu quả của doanh nghiệp khi có chi phí hạ tầng nhân công rất cạnh tranh. Đó là những yếu tố hỗ trợ cho các nhà mạng và là lý do tại sao ARPU thấp nhưng các nhà mạng vẫn phát triển được trong thời gian qua.
Hơn nữa, vì ARPU chưa cao nên các nhà mạng luôn cố gắng tối ưu hóa đầu tư, và tạo ra những sân chơi để có những giải pháp tối tân nhất với giá thành hiệu quả nhất. Đây cũng vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các nhà mạng để các nhà mạng luôn phải tối ưu hóa mạng lưới, đầu tư hiệu quả nhất, và cập nhật công nghệ mới nhất.
"Chắc chắn trong thời gian tới, ARPU sẽ được nâng cao. Bởi với công nghệ 5G và với rất nhiều ứng dụng mới giúp người dùng có trải nghiệm tối đa, chân thực hơn, đây sẽ là cơ hội để các nhà mạng tăng doanh thu với tất cả các mảng ứng dụng từ thương mại điện tử, nhà máy, tự động hóa, giải trí,.v.v.", ông Trường khẳng định.
Ngoài ra, Chính phủ cũng như các nhà mạng đang nỗ lực triển khai chuyển đổi số, thay đổi cơ cấu về doanh thu từ nguồn thu truyền thống và tiếp cận các cách thức mới để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng của mình.