Chuyển mạng giữ số di động sẽ được triển khai từ tháng 11/2018
(Dân trí) - Các nhà mạng đều khẳng định đã sẵn sàng thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số trong năm nay và Bộ TT&TT dự kiến tháng 11 sẽ bắt đầu triển khai.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải vừa tiếp tục có buổi làm việc với các nhà mạng vào sáng nay, 23/8 về "Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số". Thứ trưởng đánh giá tình hình triển khai đề án chuyển mạng giữ nguyên số của Việt Nam đã chậm hơn so với nhiều quốc khác. Do đó, quan điểm của Bộ là kiên quyết triển khai bởi đây là chính sách bắt buộc để thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp viễn thông cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp viễn thông đều khẳng định đã sẵn sàng chuẩn bị cho việc thực hiện đề án này. Trong đó Viettel, MobiFone, VinaPhone nói rằng đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật và đã thử nghiệm giữa các nhà mạng. Riêng Vietnamobile cho biết dự kiến sẽ thử nghiệm chuyển mạng giữ số vào ngày 27/8 tới.
Đại diện từ Viettel kiến nghị Bộ TT&TT ban hành các chính sách kinh tế dành cho khách hàng và các nhà mạng với nhau, mức cước và các điều khoản sử dụng dịch vụ chuyển mạng... Để triển khai dịch vụ này sớm nhất có thể.
Đại diện từ VNPT cũng kiến nghị nên triển khai chuyển mạng giữ số sau khi đã chuyển đổi mã mạng từ 11 số về 10 số hiện đang được chuẩn bị và bắt đầu từ 15/9 tới.
Đại diện MobiFone cũng kiến nghị xem xét thực hiện chuyển đổi trước với các thuê bao trả sau để rút kinh nghiệm và sau đó mới áp dụng các thuê bao trả trước.
Trước các kiến nghị trên, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đề nghị Cục Viễn thông phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để rà soát về mặt kỹ thuật để xem còn vướng mắc vấn đề gì hay không. Đồng thời làm thủ tục thành lập Hội đồng, sửa thông tư nếu thấy có các vấn đề bất hợp lý nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công tác chuyển đổi. Cục Viễn thông phải sớm đưa ra thông tin cụ thể về việc bắt đầu triển khai, có hình thức truyền thông phù hợp để người dân nắm rõ được thông tin.
Thứ trưởng đề nghị thời gian triển khai đề án này từ cuối tháng 11/2018 và bày tỏ quan điểm đồng tình với việc thực hiện chuyển mạng giữ số đối với thuê bao trả sau trước. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng không chờ đợi, dù 2 doanh nghiệp sẵn sàng cũng thực hiện. Các doanh nghiệp viễn thông nào chưa kịp triển khai ngay có thể làm đề xuất báo cáo với Bộ TT&TT.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp viễn thông cũng đề xuất xem xét mức phí rời mạng dự kiến là 60.000 đồng và chuyển đến là 60.000 đồng.
Các chuyên gia viễn thông cũng đánh giá, dịch vụ này sẽ khởi chạy sớm bởi đây đang là dịch vụ được người dùng trông chờ nhiều nhất và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm nay. Việc triển khai sớm dịch vụ sẽ giúp gia tăng hiệu quả sử dụng kho số viễn thông, quản lý thuê bao tốt hơn và đẩy lùi lượng SIM rác, gây ảnh hưởng đến người dùng. Đặc biệt hơn sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các DN viễn thông, các nhà mạng sẽ phải cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, độ phủ sóng để mong giữ chân và hút thêm thuê bao mới... Từ đó tạo ra giá trị thiết thực hơn cho người dùng.
Về phía các nhà mạng, Viettel cho biết cũng đã triển khai thử nghiệm kỹ thuật từ hôm 21/9/2017 và cho rằng không quá phức tạp. Bởi dựa vào kinh nghiệp đã thực hiện tại các thị trường nước ngoài mà Viettel kinh doanh.
Đại diện VNPT cũng cho biết, hệ thống cổng chuyển mạng giữ nguyên số đã được xây dựng và đang trong quá trình kết nối với hệ thống chuyển mạng trung tâm chuyển mạch quốc gia để thử nghiệm.
Ngoài ra, MobiFone cũng cho biết đang thực hiện và sẽ áp dụng chính sách mới đến người dùng cuối.
Mỗi nhà mạng cung cấp dịch vụ sẽ xây dựng một cổng chuyển mạng tại hạ tầng mạng của mình để thực hiện việc chuyển mạng. Tại đây cũng có một Cơ sở dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp được liên tục đồng bộ với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Được biết, chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portibility - MNP) là dịch vụ giúp người dùng di động có thể lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ di động mà không phải thay đổi số thuê bao. Dịch vụ này đem lại nhiều lợi ích cho cả người dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Gia Linh