1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Chế độ duyệt web ẩn danh: Không an toàn và riêng tư như bạn nghĩ

(Dân trí) - Nhiều người cho rằng sử dụng chế độ duyệt web ẩn danh trên trình duyệt web sẽ giúp họ riêng tư và tránh sự theo dõi của các hãng công nghệ, nhưng thực tế không phải như vậy.

Chế độ duyệt web ẩn danh: Không an toàn và riêng tư như bạn nghĩ - 1

Chế độ duyệt web ẩn danh trên các trình duyệt web không hề riêng tư như nhiều người vẫn nghĩ.

Chế độ duyệt web ẩn danh là chế độ riêng tư, mà khi người dùng duyệt web bằng chế độ này sẽ không lưu lại lịch sử trên máy tính, như các trang web đã ghé thăm, các tài khoản đã đăng nhập hay file đã được tải về từ Internet… Nhiều người dùng lựa chọn chế độ duyệt web ẩn danh khi muốn khóa các quảng cáo hiển thị trên trang web, không muốn bị các hãng công nghệ lớn theo dõi hoặc để truy cập các trang web có nội dung "nhạy cảm"…

Hiện chế độ duyệt web ẩn danh đã trang bị trên hầu hết tất cả các trình duyệt web phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, chế độ duyệt web ẩn danh không hề an toàn và riêng tư như nhiều người dùng vẫn nghĩ. Trên thực tế, Google vẫn không hề "rời mắt" khỏi người dùng, kể cả khi họ đang sử dụng chế độ duyệt web ẩn danh.

Theo đó, một đơn kiện tập thể nhằm vào Alphabet (công ty mẹ của Google) đã được gửi lên tòa án tại Mỹ, với cáo buộc tính Google vẫn âm thầm thu thập lịch sử hoạt động của người dùng để phục vụ cho mục đích quảng cáo, dù họ đã sử dụng chế độ duyệt web ẩn danh trên Chrome, Safari hoặc nhiều trình duyệt web khác. Điều này đồng nghĩa với việc Google sẽ biết rõ người dùng truy cập vào trang web nào, dù họ không muốn ai biết được điều này.

Các nguyên đơn trong vụ kiện yêu cầu Google phải bồi thường số tiền lên đến 5 tỷ USD.

"Tòa án kết luận rằng Google đã không thông báo cho người dùng về việc hãng sẽ thu thập dữ liệu ngay cả khi họ sử dụng chế độ duyệt web ẩn danh", Lucy Koh, thẩm phán quận ở San Jose (bang California, Mỹ) viết trong phán quyết của mình.

Nhiều cư dân mạng đã hài hước gọi chế độ duyệt web ẩn danh là "chế độ nhạy cảm", khi nhiều người dùng Internet thường kích hoạt chế độ này khi truy cập các trang web có "nội dung người lớn" để không lưu lại dấu vết truy cập trang web trên máy tính. Do vậy, chính việc Google vẫn thu thập hoạt động của người dùng ở chế độ duyệt web ẩn danh đã khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng sự riêng tư.

Phía Google đã phủ nhận mọi cáo buộc và cho biết sẽ "chiến đấu" để tự bảo vệ mình trước pháp luật.

"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ phán quyết này và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình trước pháp luật", một phát ngôn viên của Google cho biết trong thông cáo đưa ra. Đại diện của Google cũng nhấn mạnh rằng chế độ duyệt web ẩn danh chỉ không lưu nội dung và lịch sử duyệt web trên máy tính, trong khi đó, các trang web vẫn có thể thu thập được thông tin dù họ truy cập bằng chế độ duyệt web ẩn danh.

"Google đã nói rõ rằng "Chế độ ẩn danh" không có nghĩa là ẩn danh hoàn toàn và hoạt động của người dùng khi sử dụng chế độ ẩn danh vẫn sẽ được thu thập bởi trang web mà họ truy cập cũng như các dịch vụ quảng cáo mà trang web đó đang sử dụng", đại diện Google cho biết.

Phán quyết được tòa án đưa ra khi Google, Facebook, Apple và nhiều "ông lớn" công nghệ khác đang đối mặt với sự giám sát gắt gao của các nhà lập pháp với các hoạt động thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng của họ.

Đầu năm nay, Google đã bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng thu thập thông tin duyệt web của người dùng để phục vụ cho mục đích quảng cáo, một động thái được đánh giá cao từ phía Google.