CEO Google lên tiếng ủng hộ quyết định bị lên án của Apple

(Dân trí) - Trước quyết định của Apple khi từ chối yêu cầu của tòa án về việc giúp giải mã chiếc iPhone 5C của tên khủng bố, “quả táo” đã phải nhận không ít sự chỉ trích của các chính trị gia. Tuy nhiên, với một số người khác, đây lại được xem là một “hành động dũng cảm”.

Cách đây ít ngày, một Thẩm phán Liên bang đã yêu cầu Apple phải hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật để giải mã chiếc iPhone 5C thuộc về Syed Rizwan Farook, một trong những thủ phạm của vụ khủng bố tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) vào tháng 12 năm ngoái. Chiếc iPhone 5C này được trang bị tính năng bảo mật và sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trên thiết bị sau khi thử mở khóa nhiều lần không thành công.

Theo các cơ quan chức năng, dữ liệu trên chiếc smartphone này có thể sử dụng để phục vụ công tác điều tra cũng như tìm kiếm những tên đồng phạm hoặc những mối liên hệ đến các tổ chức khủng bố khác.


Apple đang phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích vì không giúp mở khóa chiếc iPhone của tên khủng bố

Apple đang phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích vì không giúp mở khóa chiếc iPhone của tên khủng bố

Đáp lại yêu cầu của tòa án, CEO Tim Cook đã viết một bức thư ngỏ và đăng lên trang chủ của Apple, trong đó Apple đã từ chối yêu cầu của tòa án với lý do nếu Apple giúp đỡ mở khóa thiết bị trong một trường hợp cá biệt sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm, phá hoại những công sức làm việc của các kỹ sư Apple trong việc phát triển an ninh của hệ thống.

Vấn đề ở đây theo Apple là hoàn toàn không có biện pháp nào để phá vỡ chức năng bảo mật trên một chiếc iPhone đã được khóa. Để thực hiện điều này, một tính năng đặc biệt trên nền tảng iOS phải được tạo ra và sự tồn tại của một tính năng như vậy có nguy cơ là mục tiêu khai thác và tấn công của tin tặc để mở khóa những thiết bị chạy iOS đã được mã hóa, điều này khiến nền tảng iOS mất đi sự an toàn cần thiết của nó.

Dù lời giải thích của Apple là khá rõ ràng và cho thấy “quả táo” đang ở thế bị động, quyết định từ chối yêu cầu từ tòa án đã khiến Apple đang phải hứng chịu không ít chỉ trích. Trong đó Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Arkansas, Tom Cotton thậm chí còn cho rằng Apple “đang bảo vệ sự riêng tư của một tên khủng bố đã chết, thay vì sự an toàn của người Mỹ”.

Không ít người cũng đang lên tiếng chỉ trích Apple đang quá cứng nhắc trong vụ việc khi không hợp tác với các cơ quan chức năng trong một hành động ngăn chặn khủng bố.

Dù vậy, Apple vẫn nhận được không ít sự ủng hộ, trong đó có sự ủng hộ của Sundar Pichai, CEO của Google. Sundar Pichai đã có những chia sẻ ý kiến cá nhân về sự việc đang diễn ra với Apple trên trang cá nhân của mình, trong đó Pichai cho biết Google xây dựng những sản phẩm bảo mật và giữ cho thông tin người dùng được an toàn, nhưng vẫn cung cấp cho các cơ quan chức năng những dữ liệu cụ thể khi được yêu cầu. Tuy nhiên, việc buộc các công ty cho phép giải mã và truy cập toàn bộ thiết bị, như việc Apple đang bị ép buộc phải làm, là một hành động nguy hiểm.

Hiện tại vẫn đang có hai luồng ý kiến khác nhau quanh hành động của Apple, trong đó nhiều người cho rằng “quả táo” đã đúng khi quyết tâm bảo vệ đến cùng dữ liệu của người dùng, cho dù đó là ai, tuy nhiên ý kiến khác lại cho rằng việc chống khủng bố và bảo vệ sự an toàn của những người khác mới là điều tối quan trọng. Và có vẻ như trong trường hợp này, chỉ có bản thân Apple mới biết được rằng có hay không khả năng giải mã một thiết bị đơn lẻ mà không làm ảnh hưởng đến những thiết bị đang chạy iOS khác.

T.Thủy