1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Cáp quang AAG lại gặp sự cố sau chưa đầy 1 tháng khắc phục

(Dân trí) - Sự cố đứt cáp khiến các dịch vụ quốc tế ít nhiều bị ảnh hưởng. Người dùng nên ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong nước thay thế để đảm bảo tốc độ truyền tải.

Cáp quang AAG lại gặp sự cố sau chưa đầy 1 tháng khắc phục - 1

Ngày 15/5, theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, tuyến cáp quang biển AAG một lần nữa lại gặp sự cố, khiến nhà mạng này mất 50% lưu lượng. Sự cố đứt cáp xảy ra từ 18h30 ngày 14/5, khiến đường truyền Internet đi quốc tế chậm rõ rệt.

Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin xảy ra sự cố, các nhà mạng đã định tuyến qua cáp trên đất liền, nên tại một số thời điểm, người dùng có thể không nhận thấy sự khác biệt đáng kể.

"Toàn bộ lưu lượng qua tuyến AAG bị mất, nhà mạng phải định tuyến đường truyền qua các tuyến dự phòng", đại diện một nhà mạng thông tin, và cho biết thông thường cần ít nhất 3 tuần đến 1 tháng để khắc phục.

Dẫu vậy, hiện chưa có thông tin chi tiết về vị trí nơi cáp gặp sự cố, cũng như lịch trình khắc phục cụ thể. Trong thời gian này, các dịch vụ quốc tế ít nhiều bị ảnh hưởng; do đó, người dùng nên ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong nước thay thế để đảm bảo tốc độ truyền tải.

Cáp quang AAG lại gặp sự cố sau chưa đầy 1 tháng khắc phục - 2

Trước đó, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG xảy ra sự cố trên nhánh cáp quang S1 ngày 2/4, chỉ 1 ngày sau khi tiến hành giãn cách xã hội tại Việt Nam. Sự cố của tuyến cáp lần này được xác định do lỗi giữa Repeater 1 và 2 ở trạm truy cập gần bờ Hồng Kông (Trung Quốc).

Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng Internet tại Việt Nam trong suốt thời gian 3 tuần, đặc biệt là khi sử dụng các dịch vụ quốc tế như Facebook, Google, Youtube...

Tới ngày 21/4, tức 19 ngày sau khi xảy ra sự cố đầu tiên của năm 2020, tuyến cáp AAG đã được khắc phục xong và đường truyền Internet đi quốc tế khôi phục 100%

AAG là tuyến cáp quang biển có tổng chiều dài 20.191 km, được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009. Tuyến cáp này kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ; đi qua Malaysia (Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314 km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hồng Kông (Nam Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tuyến cáp AAG đã nhiều lần gặp sự cố. Dù vậy, đây vẫn là tuyến cáp biển được nhiều ISP khai thác, sử dụng, đóng vai trò quan trọng trong kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Nguyễn Nguyễn