Cảnh giác với chiêu "vặt tiền" kinh điển của thợ sửa điện nước

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Thợ sửa điện nước có nhiều chiêu "làm giá" khi sửa chữa và thay thế linh kiện. Người dùng cần trang bị kiến thức căn bản, đồng thời lưu ý phải tỉnh táo và kiểm tra kỹ để tránh mất tiền oan.

Thời tiết Hà Nội chuyển lạnh, chị Vũ Minh (ngụ tại phố Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai) bắt đầu phải sử dụng bình nóng lạnh để tắm gội cho các con. Tuy nhiên có lẽ do một thời gian dài không sử dụng, bình nóng lạnh đang chạy bỗng nhiên ngừng hoạt động, không sáng đèn.

Liên hệ theo số hotline của một trang web chuyên sửa chữa đồ điện tử, chị Minh được tư vấn, đồng thời có người đến kiểm tra thiết bị chỉ sau vài tiếng đồng hồ.

Cảnh giác với chiêu vặt tiền kinh điển của thợ sửa điện nước - 1

Một thợ sửa điện nước đang thay thế linh kiện cho bình nóng lạnh bị hỏng.

Dựa vào thông tin từ người thợ tên L., chị Minh được biết bình nóng lạnh đã bị hỏng bộ phận chống giật, và có chi phí để thay thế hết 400.000 đồng chưa kể công.

Nghi ngờ linh kiện được thay bị thợ "đội giá", chị Minh tìm kiếm trên một số sàn thương mại điện tử. Quả thực, thiết bị chống giật cho bình nóng lạnh (có thương hiệu Ariston) như người thợ miêu tả chỉ có giá từ 120.000 - 150.000.

Tuy nhiên, L. "quả quyết" rằng dây chống giật mà mình mang theo để thay thế thuộc loại tốt, là dây "xịn" đi kèm bình nóng lạnh chính hãng, chứ không phải các loại chất lượng thấp bán tràn lan trên thị trường.

Do đã có kinh nghiệm trong việc bị thợ điều hòa "làm giá" khi sửa chữa và thay thế linh kiện, chị Minh đề nghị nhờ chồng đi mua dây chống giật tại cửa hàng, rồi nhờ người thợ này thay thế.

Trước tình huống này, L. "xuống nước", nói rằng cũng có loại dây 150.000 đồng và sẽ thay nếu gia đình mong muốn. Tuy nhiên, người này kèm theo điều khoản sẽ chỉ bảo hành 1 tháng, còn loại "dây tốt" sẽ được bảo hành thay mới trong tận 6 tháng.

Cảnh giác với chiêu vặt tiền kinh điển của thợ sửa điện nước - 2

Thợ sửa điện nước có nhiều chiêu "làm giá" khi sửa chữa và thay thế linh kiện. Người dùng cần tỉnh táo và kiểm tra kỹ để tránh mất tiền oan.

Sau khi đã lắp đặt xong, người thợ này đòi tiền công lắp 100.000 đồng, sau đó "chuồn thẳng". Dẫu vậy, tổng chi phí chỉ hết 250.000 đồng, bằng một nửa so với báo giá của thợ ban đầu.

Chị Ngọc Anh (Bắc Từ Liêm, Hà nội) cũng cho biết từng gọi thợ đến sửa điều hòa thì được "phán" hỏng IC, nếu thay mất khoảng 2.5 triệu đồng. Thấy chi phí lớn, gia đình chị tạm ngừng, hôm sau nhờ người quen đến sửa, hóa ra chỉ là lỗi cầu chì, anh thợ... thay hộ, không tính tiền.

Trên thực tế, các chiêu trò "vặt tiền" khách hàng như các trường hợp trên là điều không mới.

Theo Bằng - một thợ sửa điện gia dụng lâu năm, nghề nào cũng cũng có "người này người kia". Nếu may mắn gặp người thợ tử tế thì không sao. Nhưng nếu không may mà gọi nhầm thợ "dỏm", bất kể là mùa hay mùa đông, sẽ có đủ mọi loại chiêu trò để "moi" thêm tiền của khách.

Các "chiêu" kinh điển là thiết bị hỏng 1 lỗi, thợ báo 2,3 lỗi; báo giá sai tiền linh kiện; nâng giá bảo trì; hoặc "ăn gian" khoảng cách dây ống đồng, dây điện.

Cảnh giác với chiêu vặt tiền kinh điển của thợ sửa điện nước - 3

Chưa kể một số thợ sửa còn có chiêu trò làm hỏng vi mạch, linh kiện trong tích tắc hòng "moi" tiền nếu chủ nhà không để ý hoặc bẵng đi làm việc khác.

Để hạn chế điều này, người dùng nên chủ động liên hệ với các đơn vị sửa chữa uy tín, có địa chỉ và số điện thoại rõ ràng, hoặc nhờ người quen giới thiệu. Đôi khi chỉ cần thái độ của hướng dẫn viên và người thợ là đủ để đánh giá mức độ chuyên nghiệp, cũng như độ tin cậy của một đơn vị sửa chữa.

Khi thợ bắt đầu xem xét và tiến hành sửa chữa, người dùng cũng nên đứng kế bên để trực tiếp theo dõi. Dù có thể không có kiến thức chuyên môn, nhưng theo một số chuyên gia nhận định, hành động này khiến những thợ có ý định "ăn gian" sớm từ bỏ ý định.

Ngoài ra khi thợ yêu cầu thay thế một linh kiện nào đó, người dùng cũng nên khảo giá tại một số website, trang thương mại điện tử, hoặc hỏi những người có kinh nghiệm để nắm được thông tin, tránh việc bị "đội giá".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm