Cảnh giác mua sắm đồ công nghệ cuối năm qua mạng
(Dân trí) - Những ngày cuối năm là thời điểm mua sắm tăng cao so với những tháng trước đó, đây cũng là thời điểm để các “siêu lừa” trục lợi. Người dùng phải hết sức cảnh giác.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức BMI (Business Monitor International), Việt Nam hiện có hơn 92 triệu dân, trong đó số người sử dụng Internet là hơn 36 triệu người, tỉ lệ sử dụng Internet trên di động so với tổng dân số là 34%. Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng Internet khá cao lên đến 9% mỗi năm xếp hạng 15 trên thế giới.
Mặc dù tỉ lệ người sử dụng Internet tăng nhanh nhưng thống kê của Hiệp hội Internet Việt Nam đã chỉ ra rằng, 44% người tiêu dùng chưa mua hàng online tại Việt Nam vì lý do họ không cảm thấy tự tin về chất lượng sản phẩm và không thể trả giá món hàng đó. Đây cũng là một mấu chốt của vấn đề, phản ánh đúng thực trạng này tại Việt Nam.
Quảng cáo một đằng, hàng một nẻo
Trong một phản ánh gửi đến báo Dân trí của độc giả Lê Thanh Sơn cho biết rằng, việc mua hàng online tại Việt Nam tiềm tàng khá nhiều mối nguy hại, quảng cáo một đằng nhưng hàng nhận về một nẻo, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng.
Nói rõ về vấn đề này, anh Sơn cho biết: “Một công ty chào bán điện thoại thông qua kênh bán hàng online và mời chào tôi với mức giá ưu đãi bởi trước đó đã mua sắm TV của họ. Họ giới thiệu về sản phẩm điện thoại N8 với cấu hình chip lõi 8, Ram 2 GB, bộ nhớ trong 24Gb, màn hình độ phân giải full HD, Camera HD (công nghệ của hãng Oppo sản xuất tại Mỹ) khuyến mãi thêm một Pin dự phòng và giá chính xác của nó là 7.780.000 đồng. Vì là khách hàng của công ty nên tôi được giảm đến 2.780.000 đồng. Khi tôi hỏi tại sao lại giảm nhiều vậy? Bên công ty này trả lời vì anh là khách hàng được chúng tôi chọn ra để quảng bá sản phẩm mới, tôi nghĩ một cái điện thoại giá cũng tầm 7.800.000 với cấu hình đó là đúng và tôi cũng tạm tin họ, nhưng tôi chưa mua tôi nói để tôi suy nghĩ đã có gì tôi gọi lại sau.”
Sau cuộc gọi trên, anh Sơn cho biết rằng mình đã tìm hiểu và thấy trên thị trường không có tên điện thoại này hay loại tương tự. Tuy nhiên, hôm sau họ gọi lại cho tôi và hỏi anh đã chọn được sản phẩm ưng ý chưa? "Đúng là tôi cũng đang có ý định đổi điện thoại nên tôi quan tâm đến cái cấu hình mà họ quảng cáo, tôi hỏi tên chính xác của nó là gì?và có thể mail cho tôi cấu hình và hình ảnh của nó được không? vì tôi không quan tâm đến tên tuổi của điện thoại lắm quan trọng là cấu hình, và bên đó nói với tôi là - Anh yên tâm điện thoại bên em nói như thế nào thì cấu hình nó như thế, còn anh không tìm được thông tin của nó đâu vì nó là sản phẩm mới bên em chưa quảng cáo và cũng từ chối gửi mail và nói rằng bên em bán hàng qua TV bên em phải giữ uy tín anh yên tâm, không vì một việc nhỏ mà làm mất uy tín.” Anh Sơn cho biết thêm.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Sơn cho biết: “Với những lời nói khẳng định về sản phẩm và hứa cam kết sẽ đúng như lời quảng cáo cho trải nghiệm trong 7 ngày và nếu có vấn đề gì thì anh có quyền trả lại, tôi đã quyết định mua sản phẩm và chờ hàng chuyển về nhà. Từ đây mọi chuyện mới vỡ lẽ.”
“Sau khi tôi nhận đặt hàng khoảng 2 tiếng sau có người gọi điện để xác nhận địa chỉ người nhận, tôi thấy yên tâm hơn, nhưng vẫn chưa tin hẳn. 3 ngày sau hàng về tới nơi, tôi gọi điện cho họ báo là hàng về rồi, và tôi xem nếu không đúng như quảng cáo tôi sẽ trả lại hàng. Khi nhận hàng, ngoài hộp chỉ đề là DTN8 nên làm sao biết được là cấu hình như thế nào, họ bảo anh cứ nhận hàng đi và yên tâm hỏi với người chuyển phát. Tôi đã mở điên thoại ra và kiểm tra thấy cấu hình không giống như là họ nói và mọi cái rất tệ. Tôi gọi điện lại và hỏi tại sao lại nói một đằng làm một nẻo? Sau đó họi chuyển máy cho một người tên là Ngân nói là giám đốc phụ trách sản phẩm và trả lời tôi rằng: đây là điện thoại mới và anh chưa kích hoạt hết tính năng của nó, em sẽ cho kỹ thuật gọi lại cho anh. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng chờ đợi, 1 ngày, 2 ngày không thấy ai gọi lại tôi lại gọi về số công ty gặp Ngân lúc này họ lại không cãi là máy sai cấu hình nữa mà lại bảo cấu hình đó là cao rồi anh ạ, anh không dùng hết đâu và cứ khuyên tôi nên dùng, tôi bảo tôi không dùng và muốn trả lại họ. Tôi gọi họ hỏi lý do trả hàng, tôi hỏi máy không đúng với cấu hình mà bên đó tư vấn nên trả. Bên trả hàng nói máy phải có vấn đề gì thì mới trả mình bảo là không đúng cấu hình thì trả lại nhưng họ không chịu!!!” Anh Sơn ngao ngán nói.
Nói không với những đơn vị không rõ nguồn gốc
Sự việc của anh Sơn thật sự không mới và nhiều người dùng cũng đã mắc phải, chính những sự việc cụ thể, người thật việc thật và những công ty làm ăn không minh bạch đã tự đánh mất uy tín của người dùng, gây ảnh hưởng đến các đơn vị uy tín khác đang kinh doanh tại Việt Nam.
Qua sự việc trên cũng là một lời chuông cảnh tỉnh cho những người tiêu dùng tại Việt Nam khi mua sắm qua mạng. Nhiều đơn vị làm việc không minh bạch, đánh vào tâm lý của người dùng ham của rẻ mà quên đề phòng trước những nguy cơ có thể xảy đến.
Chia sẻ với Dân trí, một chủ kinh doanh hàng online tại Việt Nam cho biết: “Người dùng nên mua sắm online tại các đơn vị uy tín, phải tìm hiểu kĩ càng về thông tin của các nhà bán lẻ online thông qua các kênh thông tin đại chúng như báo chí hay truyền hình. Đồng thời, khi mua sắm cần tìm hiểu kĩ càng về sản phẩm, thông tin về nhà cung cấp thông qua các phản hồi trên những diễn đàn lớn, từ đó hãy quyết định mua sắm, tránh tiền mất tật mang.”
Trong khi đó, những sự việc lừa tiền người dùng, gửi tiền đặt hàng trước ở các công ty, cửa hàng online nhỏ lẻ để đặt hàng sản phẩm cũng đang diễn ra rất nhiều trên mạng, gây ra những biến tướng khôn lường. Đã có những sự việc lừa tiền đặt hàng của người dùng trong năm qua, như việc đặt hàng iPhone 6 tại TPHCM vừa qua, chủ cửa hàng ôm tiền chạy trốn (chúng tôi sẽ thông tin rõ sự việc trong bài viết tiếp theo), số tiền đặt của người dùng không lớn nhưng rất nhiều người cùng đặt hàng bởi giá sản phẩm bán ra hấp dẫn hơn rất nhiều so với giá của những chuỗi uy tín, tay siêu lừa này đã ôm một số tiền không hề nhỏ bởi sự nhẹ dạ cả tin của người dùng. Do đó, người tiêu dùng cần cảnh giác và không nên đặt hàng trước thông qua các đơn vị nhỏ, lẻ, những đơn vị không rõ nguồn gốc.
Bảo mật thông tin trước khi mua sắm online
Ngoài ra, một điều mà người dùng Việt cần chú ý hiện nay là tình trạng ăn cắp thông tin qua mạng, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm và thông tin tài chính của người dùng. Như bài viết trước chúng tôi đã đưa, trong một thống kê mới nhất của Công ty An ninh mạng Bkav cho thấy hơn 20% smartphone ở Việt Nam (22,7%) từng bị lây nhiễm mã độc. Trong đó, riêng virus gửi tin nhắn tới đầu số thu phí gây tổn thất lên tới 3,9 tỷ đồng mỗi ngày cho người dùng. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2014, phần mềm bảo vệ Smartphone Bkav Mobile Security đã cập nhật 621.000 mã độc mới xuất hiện, vượt xa số lượng 528.000 của cả năm 2013. Đặc biệt, mỗi ngày có 262.000 điện thoại bị nhiễm loại mã độc gửi tin nhắn SMS đến đầu số tính phí. Đây là các đầu số thu phí 15.000 VNĐ/1 tin nhắn, tính ra mỗi ngày người sử dụng Việt Nam bị “móc túi” số tiền khổng lồ lên tới 3,9 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Trần Vũ - GĐ Điều Hành công ty TNHH Bảo Mật Nam Trường Sơn đồng thời là đại diện hãng Kaspersky cho chúng tôi biết: "Tình trạng bảo mật trên điện thoại smartphone tại Việt Nam hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Người dùng không cài đặt phần mềm diệt virus trên điện thoại thông minh trong khi thoải mái cài đặt ứng dụng app và truy cập internet. Tâm lý người dùng smartphone vẫn xem dữ liệu trên điện thoại là chưa quan trọng để quan tâm bảo mật. Tuy nhiên, tin tặc rất nguy hiểm. Chúng khai thác thông tin nhiều góc độ và âm thầm theo dõi người dùng để trục lợi. Điện thoại Android giá rẻ sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại Việt Nam trong vài năm tới và nguy cơ bảo mật ngày càng tăng cao. Đồng thời, smartphone rất dễ bị tấn công. Trong thao tác cài đặt một ứng dụng (app) luôn có những câu hỏi cho phép ứng dụng được thực hiện một số quyền như dùng hình ảnh, tin nhắn, camera... Vì người dùng không đọc kỹ các thông tin và chỉ chọn đồng ý nên các ứng dụng rất dễ tấn công thiết bị. Và khi bị tấn công, smartphone có thể trở thành trung tâm khai thác thông tin cho tin tặc. Thông qua smartphone, Tin tặc có thể ăn cắp thông tin trên điện thoại và thông tin giao dịch online để trục lợi bất chính."
"Nguy hiểm cho smartphone là do cài nhiều ứng dụng và giao tiếp internet rất thường xuyên trong khi người dùng không cài đặt phần mềm chống virus mã độc. Bạn đang dùng điện thoại thông minh mà còn phải lo âu về bảo mật hoặc bảo mật bằng thao tác thủ công thì đó là chuyện cực kỳ vô lý. Vừa qua đã có trường hợp một ứng dụng đơn giản là đèn pin trên smartphone có thể chiếm quyền điều khiển máy điện thoại của người dùng. Thực trạng bảo mật trên smartphone đang ở giai đoạn đáng báo động." ông Vũ cho biết thêm.
Từ đây, có thể thấy rằng, các thông tin đơn giản như hình ảnh, các email cá nhân hay các giao dịch quan trọng với ngân hàng và thông tin về thẻ tín dụng... đang được giao cho chiếc smartphone hay máy tính quản lý và xử lý. Có thể ngay bây giờ, với một số người là không cần thiết, nhưng chính họ sẽ đối mặt với những rủi ro về bảo mật trong tương lai nếu không tạo thói quen chú ý đến bảo mật cho mình từ hôm nay.
Do đó, người dùng cần trang bị các kiến thức về bảo mật trước khi đăng nhập các tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng để tránh rơi vào tay của các tin tặc và giúp cho việc mua sắm online được an toàn hơn. Một công cụ bảo vệ trên máy sẽ là điều cần thiết và không nên đăng nhập các thông tin nhạy cảm vào những máy tính, smartphone công cộng hay những máy tính không được bảo mật tốt.
Quốc Phan