Cấm hay không ngành sản xuất amiăng
(Dân trí) - Tranh luận về tác động amiăng đối với sức khỏe con người giữa cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan quản lý vẫn chưa có hồi kết cũng như quan điểm chung.
Chuyên gia bộ Xây dựng đưa ra thực tế, hiện nhu cầu và tỉ lệ sử dụng tấm lợp amiăng-ximang (AC) trong cộng đồng còn rất lớn, nhất là dân nghèo, bởi giá tấm lợp này chỉ từ 25.000- 35.000 đồng/m, trong khi giá tôn loại trung bình cũng từ 70.000 – 210.000 đồng/m. Vật liệu này đặc biệt phù hợp với người dân vùng núi hoặc ven biển với khả năng cách nhiệt, chống cháy tốt, chống ẩm tốt. Bên cạnh đó, với yêu cầu công nghệ đơn giản, dễ đầu tư, ngành xản xuất amiăng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động nghèo, trình độ thấp.
Tại một hội thảo liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng. Trên thế giới, việc cấm hay không cấm, sử dụng và sản xuất amiăng trắng tác hại đến môi trường ra sao…vẫn là cuộc tranh luận này kéo dài suốt 10 năm nay. Do đó, đối với nước ta, quyết định cấm hay tiếp tục sản xuất amiăng trắng sẽ do Chính phủ quyết định, dựa trên các yếu tố khoa học minh bạch và đã được nghiên cứu đầy đủ. Theo đó, cần có những chứng cứ rõ ràng, công bằng, tính toán đến lợi ích của các phía, trong đó sức khỏe người dân, tác động đến môi trường phải đặt lên trên hết, nhưng không thể bỏ qua lợi ích doanh nghiệp, của người lao động.
Theo TS Lê Thị Hằng, GĐ Bệnh viện Xây dựng, trong vòng 10 năm qua, các nghiên cứu cho thấy, bệnh nghề nghiệp trong ngành sản xuất tấm lợp thấp hơn so với một số ngành công nghiệp khác. Nghiên cứu của Bệnh viện trong nhiều năm ở hơn 1.000 bệnh nhân cho thấy, có 40 bệnh nhân mắc bệnh do nghi ảnh hưởng amiăng, trong đó 6 bệnh nhân nghi ngại nhất đã được gửi sang Nhật. Nhưng chuyên gia Nhật cũng không đưa ra kết luận phát hiện bệnh do ảnh hưởng trực tiếp do amiăng.
Tuy nhiên, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại khẳng định, không có ngưỡng nào thực sự an toàn khi tiếp xúc với amiăng. Đặc biệt khi amiăng ở trong dạng kết khối với vật liệu khác thì chúng ít gây độc, nhưng đặc biệt độc hại khi chúng ở dạng sợi hoặc phát tán vào không khí. Trên thực tế, so với một số loại bụi, amiăng không gây hại tức thì, tác hại của chúng thường xuất hiện sau 15 - 40 năm.
Cách đây không lâu, ngày 5/8, đại diện Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương và Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã viết thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị cấm sử dụng amiăng trắng trong vật liệu xây dựng tại VN.
Theo WHO và ILO, mỗi năm có 107 nghìn người chết do các bệnh liên quan tới amiăng và 1,5 triệu người khác phải sống chung với khuyết tật do các bệnh liên quan tới amiăng. Amiăng được coi là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp…
Việt Nam hiện là nước tiêu thụ amiăng lớn thứ 10 thế giới về số lượng và đứng thứ 7 về bình quân lượng amiăng tiêu thụ trên đầu người.
Cùng quan điểm, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, đề nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét vấn đề này. Bởi hiện nay Chính phủ vẫn chưa đưa nghề sản xuất tấm lợp AC vào danh sách những nghề độc hại, nguy hiểm để công nhân được hưởng các chế độ chăm sóc, bồi dưỡng độc hại và được hưởng đền bù khi bị bệnh nghề nghiệp từ amiăng.
Theo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, hiện Việt Nam đã có công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng, với dây truyền thiết do kỹ sư trong nước thiết kế - chế tạo. Sản phẩm đã xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, việc đặt ra lộ trình thay thế công nghệ sản xuất amiăng là cần thiết.