Sản xuất amiăng: Lợi bất cập hại

(Dân trí) - Ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp amiăng-ximang (AC) vẫn đang phát triển tại Việt Nam trong 50 năm qua, mặc những cảnh báo về sự nguy hại đến con người và môi trường.

Nhiều tổ chức Khoa học trên Thế giới đã đưa ra cảnh báo Amiăng (kể cả amiăng trắng - chrysotile) nằm trong danh mục những chất độc hại hàng đầu đối với sức khỏe con người. Trong đó, cơ quan thống kê các chất độc và các bệnh do chúng gây ra (ATSDR) của Mỹ công bố: Amiăng là nguyên nhân duy nhất - cho đến nay có thể phát hiện được - gây ra u trung biểu mô (một loại u ác tính) ở người.

Từ năm 1973, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng bao gồm cả amiăng trắng vào nhóm 1- nhóm các chất gây ung thư ở người.

Năm 2013, tại hội nghị lần thứ 6 Công ước Rotterdam, rất nhiều quốc gia đề nghị cấm hoàn toàn amiăng trắng. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong 6 quốc gia phản đối điều này.

Amiăng được cảnh báo gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.

Amiăng được cảnh báo gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.

Về vấn đề này, chuyên gia Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đưa ra lí giải: Một trong những nguyên nhân cơ bản đó là ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp amiăng-ximang (AC) đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam hơn 50 năm (từ năm 1963 đến nay). Hiện trên cả nước ta có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp amiang, hàng năm cung cấp sản lượng trên70 triệu m2 và sử dụng trên 9 nghìn lao động.  Ngoài ra, amiăng trắng còn có mặt trong hơn 3.000 sản phẩm ứng dụng thuộc các lĩnh vực: Vật liệu xây dựng, công nghiệp hàng không, công nghiệp dược phẩm, đóng tàu…

Theo thống kê, trung bình hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 65.000 tấn amiăng nguyên liệu. Riêng năm 2012 các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhập gần 79.000 tấn, đứng thứ 6 trên thế giới.

PGS.TS Lê Vân Trình, viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động cho biết, tấm lợp amiăng là một loại vật liệu lợp được sử dụng rộng rãi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi ở nước ta bởi những tính ưu việt, đó là: Công nghệ sản xuất đơn giản, có khả năng cách nhiệt tốt, chống cháy tốt. Ở môi trường khí hậu ven biển, ẩm, tấm lợp AC không bị lão hoá và biến dạng do nhiệt, thời gian sử dụng lâu, đặc biệt là giá rẻ (chỉ bằng 1/2 giá tấm lợp kim loại) nên phù hợp với khả năng tiêu thụ của phần lớn người dân có thu nhập thấp.

Mới đây, tại Hội thảo về amiăng liên quan đến sức khỏe con người do Bộ  Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế Tổ chức Y tế thế giới tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, trong nhiều năm qua ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp AC đã phần nào đóng góp vào nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng vạn người lao động trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích kinh tế và xã hội, ngành sản xuất này đã và đang các tác động xấu đến sức khoẻ con người và môi trường.

Các tài liệu khoa học đều cho thấy, tất cả các dạng amiăng đều gây ung thư và không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng. Nghĩa là càng tăng sử dụng amiăng thì càng làm tỷ lệ ung thư gia tăng, trong đó, điển hình là ung thư trung biểu mô. Cùng đó, chi phí dành cho bệnh ung thư do amiăng vượt quá giá trị kinh tế của amiăng (theo thống kê của WHO, năm 2008 chi phí bệnh do amiăng là 2,4 tỷ USD so với 802 triệu USD giá trị kinh tế mà chất này mang lại).

Hơn thế, amiăng không những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người lao động mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng do việc xử lý vật liệu phế thải amiăng còn hạn chế. Những mặt lợi, hại trong ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp amiăng-ximăng đã thấy rõ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa đưa ngành nghề sản xuất tấm lợp AC vào danh sách những nghề độc hạị, nguy hiểm để công nhân được hưởng các chế độ chăm sóc, bồi dưỡng độc hại và được hưởng đền bù khi bị bệnh nghề nghiệp từ amiang

Trước thực trạng này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Chính phủ, đề nghị không nên tiếp tục phản đối việc đưa amiăng trắng (chrysotile) vào phụ lục 3 (chất độc hại) của công ước Rotterdam tại Hội nghị năm 2015.

Liên hiệp này cũng đề nghị Chính phủ cần đầu tư cho một Chương trình nghiên cứu toàn diện, khách quan và khoa học về ảnh hưởng của amiăng đến sức khỏe con người. Trên thực tế, đến nay Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào toàn diện đánh giá về vấn đề này.

Phạm Thanh


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm