Cài đặt và sử dụng Windows 10 ngay trên Windows hoặc OS X hiện thời
(Dân trí) - Bạn muốn khám phá những tính năng mới trên Windows 10, nhưng chưa dám mạo hiểm để nâng cấp máy tính của mình lên phiên bản Windows 10 còn mới mẻ và xa lạ? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trải nghiệm và khám phá Windows 10 ngay trên Windows hiện hành như một phần mềm bình thường.
Microsoft vừa chính thức trình làng phiên bản Windows 10 mới nhất vào ngày 29/7 vừa qua, với hàng loạt cải tiến và tính năng mới. Dân trí đã giới thiệu đến bạn cách thức để cài đặt và nâng cấp miễn phí từ Windows hiện tại lên Windows 10.
Tuy nhiên, với cách thức này, bạn vẫn phải cài đặt Windows 10 như một hệ điều hành mới trên máy tính, có thể khiến bạn phải đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định có nên nâng cấp hay không.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn cài đặt và sử dụng Windows 10 ngay trên hệ điều hành sẵn có, trong giao diện của một cửa sổ, tương tự như một phần mềm bình thường. Điều này vừa giúp bạn có thể trải nghiệm và khám phá những tính năng mới trên Windows 10 ngay trên phiên bản Windows mà mình đang sử dụng.
Đặc biệt, cách thức này cũng giúp những người đang dùng máy tính Mac của Apple cũng có thể trải nghiệm và khám phá phiên bản Windows 10 mới nhất của Microsoft.
Những yêu cầu cần có
Để có thể cài đặt và sử dụng bản thử nghiệm Windows 10 ngay trên máy tính hiện có, trước tiên bạn cần chuẩn bị những điều kiện sau:
- Phần mềm tạo máy ảo VirtualBox phiên bản mới nhất. Download miễn phí tại đây (dành cho Windows) hoặc tại đây (dành cho OS X).
Cách thức sử dụng của phần mềm trên cả Windows lẫn OS X đều như nhau. Bài viết dưới đây hướng dẫn tạo máy tính ảo trên Windows, cách thức sử dụng trên OS X cũng hoàn toàn tương tự.
- File đĩa ảnh cài đặt của Windows 10 phiên bản chính thức. Download miễn phí tại đây.
- Trong trường hợp bạn không thể download file ảnh ISO của Windows 10 ở trên vì một lý do nào đó, bạn có thể download file cập nhật ESD của Windows 10 tại đây, sau đó sử dụng thủ thuật đã được Dân trí giới thiệu để tự tạo file ISO cài đặt cho Windows 10 đã được giới thiệu trong bài viết tại đây.
- Về mặt phần cứng, bạn cần phải sử dụng một máy tính được trang bị vi xử lý hỗ trợ chế độ ảo hóa (phần lớn toàn bộ các vi xử lý hiện nay đều hỗ trợ tính năng này). Ngoài ra, máy tính nên có bộ nhớ RAM tối thiểu 2GB.
Các bước tiến hành
- Sau khi download VirtualBox, tiến hành cài đặt và kích hoạt để sử dụng phần mềm.
Lưu ý: trong quá trình cài đặt VirtualBox, phần mềm có thể yêu cầu cài đặt thêm một vài thành phần phụ, bạn chỉ việc nhấn Install ở những hộp thoại hiện ra để cài đặt.
- Từ giao diện chính, nhấn nút “New” ở menu của phần mềm.
- Từ hộp thoại hiện ra sau đó, tại mục “Name” bạn điền tên của máy tính ảo mà mình sắp tạo ra. Tại đây bạn có thể điền Windows 10. Mục “Type”, bạn giữ nguyên tùy chọn “Microsoft Windows”. Còn mục “Version” bên dưới, bạn chọn “Windows 10 (32-bit)” hoặc “Windows 10 (64-bit)”, tùy thuộc vào phiên bản Windows 10 mà bạn đã tải.
Nhấn Next để tiếp tục.
- Tại bước tiếp theo, phần mềm sẽ yêu cầu người dùng thiết lập bộ nhớ RAM cho máy tính ảo. Tùy thuộc vào dung lượng RAM tối đa trên máy tính của bạn, tuy nhiên tại đây bạn nên thiết lập tối thiểu 1GB bộ nhớ RAM (1024MB).
- Sau khi nhấn Next để tiếp tục, tại bước tiếp theo bạn chọn “Creat a virtual hard drive now” rồi nhấn Creat để tạo phân vùng ổ cứng cho máy tính ảo.
Tại hộp thoại hiện ra, để nguyên mặc định (VDI) và nhấn Next, rồi chọn tiếp “Dynamically allocated” ở hộp thoại tiếp theo rồi nhấn Next. Nhấn nút “Creat” ở hộp thoại cuối cùng để khởi tạo ổ cứng cho máy tính ảo.
- Sau khi hoàn tất các bước thiết lập máy tính ảo, quay trở lại giao diện chính của phần mềm VirtualBox. Tại đây bạn sẽ thấy máy tính ảo có tên Windows 10 mà bạn đã tạo ra. Kích chuột phải vào mục Windows 10, chọn “Settings” từ menu hiện ra.
- Từ hộp thoại “Settings” hiện ra sau đó, bạn chọn “Storage” ở menu bên trái. Nhấn vào mục “Empty” ở giao diện bên phải (có biểu tượng chiếc đĩa quang), sau đó nhấn tiếp vào biểu tượng chiếc đĩa quang tại mục “CD/DVD Drive” rồi chọn “Choose a virtual CD/DVD disk file” từ menu hiện ra (mục khoanh đỏ ở hình minh họa bên dưới).
Tại hộp thoại chọn file hiện ra, bạn tìm và chọn file ISO cài đặt của Windows 10 đã download được ở trên. Nhấn OK ở hộp thoại “Settings” để lưu lại thiết lập.
Các bước cài đặt Windows 10 trên máy tính ảo
Sau khi hoàn tất các bước thiết lập máy tính ảo trên VirtualBox, bạn tiếp tục thực hiện các bước sau để cài đặt Windows 10 trên máy tính ảo:
Lưu ý: trong quá trình sử dụng máy tính ảo, nếu bạn kích chuột vào trong khung cửa sổ của máy ảo, biểu tượng con trỏ chuột sẽ trở thành chuột trên máy tính ảo. Để quay trở lại môi trường Windows bên ngoài, bạn nhấn phím Ctrl phía bên tay phải trên bàn phím.
- Quay trở lại giao diện chính của phần mềm VirtualBox, kích vào mục Windows 10 có trong danh sách máy tính ảo, sau đó nhấn “Start” trên menu của phần mềm để khởi động máy tính ảo mà bạn đã thiết lập.
- Một cửa sổ máy tính ảo sẽ được hiện ra. Tại đây sẽ bắt đầu quá trình cài đặt Windows 10 trên máy tính ảo. Bước đầu tiên của quá trình cài đặt, bạn chọn “Vietnamese” tại mục “Time and currency format” rồi nhấn Next để tiếp tục. Bạn cũng có thể để nguyên như mặc định rồi nhấn Next.
- Nhấn “Install Now” ở giao diện tiếp theo. Trong quá trình cài đặt nếu xuất hiện hộp thoại yêu cầu người dùng điền mã bản quyền để kích hoạt Windows 10, bạn có thể nhấn nút “Skip” để bỏ qua yêu cầu này.
- Bước tiếp sau đó, quá trình sẽ cho phép người dùng chọn để cài đặt phiên bản Windows 10 Home hoặc Windows 10 Pro. Bạn nên cài đặt phiên bản Windows 10 Pro để có được nhiều tính năng hơn. Bước tiếp theo, đánh dấu đồng ý các điều khoản sử dụng, sau đó nhấn “Next” để tiếp tục.
- Tại giao diện tiếp theo đó, bạn chọn “Custom: Install Windows only”.
- Chọn phần vùng mặc định (là phần vùng ổ cứng của máy tính ảo) tại bước tiếp theo rồi nhấn Next. Windows 10 sẽ bắt đầu quá trình sao chép dữ liệu và cài đặt hệ điều hành lên máy tính ảo.
- Sau khi quá trình cài đặt kết thúc, máy tính ảo sẽ được khởi động lại. Trong lần đầu tiên sử dụng, Windows 10 sẽ yêu cầu người dùng nhập mã bản quyền để kích hoạt. Bạn có thể chọn “Do this later” để bỏ qua.
- Bước sau đó, chọn “Use express settings” để sử dụng các thiết lập mặc định của Windows, bỏ qua các bước thiết lập không cần thiết.
- Bước tiếp theo quá trình cài đặt sẽ yêu cầu người dùng thiết lập máy tính này là của cá nhân (I own it) hay máy tính thuộc côn ty, tổ chức (My organization). Ở đây bạn có thể chọn “I own it” rồi nhấn “Next”.
- Bước sau đó yêu cầu người dùng đăng nhập vào tài khoản Microsoft để sử dụng, tại đây bạn có thể nhấn chọn “Skip this step” để bỏ qua bước này.
- Bước tiếp sau, điền tên sử dụng và mật khẩu đăng nhập cho máy tính rồi nhấn “Next”. Tại đây bạn có thể chỉ cần khai báo tên sử dụng mà không cần thiết lập mật khẩu.
Như vậy, bạn đã hoàn tất các bước thiết lập và cài đặt Windows 10 trên máy tính ảo. Bây giờ, bạn đã có thể bắt đầu sử dụng và khám phá các chức năng mới trên Windows 10 trực tiếp ngay trên hệ điều hành hiện có của mình. Mỗi khi muốn thoát khỏi máy tính ảo, bạn chỉ việc đóng cửa sổ của máy tính ảo, sau đó chọn “Power off this machine” để tắt máy tính ảo.
Bất cứ khi nào bạn muốn sử dụng Windows 10 trên máy tính ảo, bạn chỉ việc kích hoạt phần mềm VirtualBox, chọn Windows 10 trên giao diện của phần mềm, sau đó nhấn nút Start để bắt đầu sử dụng Windows 10 trên máy tính mà không cần phải trải qua các bước cài đặt và thiết lập phức tạp như trên.
Khắc phục một số lỗi gặp phải khi thiết lập máy tính ảo
Trong nhiều trường hợp quá trình thiết lập máy tính ảo bị lỗi khiến bạn không thể khởi động và cài đặt Windows 10 trên máy tính ảo.
Khi xảy ra sự cố này, bạn kích hoạt phần mềm VirtualBox, chọn hệ điều hành Windows 10 từ danh sách, sau đó nhấn nút “Settings” từ trên menu của phần mềm.
Từ hộp thoại “Windows 10 - Settings” hiện ra sau đó, bạn chọn mục “System” từ menu bên trái. Tại tab “Motherboard” ở bên phải, bạn đánh dấu vào tùy chọn “Enable I/O APIC” và “Enable EFI (special Oses only).
Bạn kích tiếp vào tab “Processor” ở bên phải, đánh dấu vào tùy chọn “Enable PAE/Nx”. Ngoài ra, trong trường hợp máy tính của bạn đang sử dụng vi xử lý lõi tứ, bạn nên thiết lập để máy tính ảo sử dụng vi xử lý lõi kép tại mục “Processor”.
Bạn chọn tiếp tab “Acceleration” ở bên phải rồi đánh dấu vào 2 tùy chọn “Enable VT-x/AMD-V” và “Enable Nested Paging”.
Quay trở lại cửa sổ “Windows 10 - Settings”, bạn chọn mục “Display” ở danh sách bên trái, sau đó tại khung bên phải, ở mục “Video Memory”, bạn kéo dung lượng của vi xử lý đồ họa lên thành 128 MB.
Cuối cùng, nhấn OK để lưu lại các thiết lập, sau đó kích hoạt lại máy tính ảo Windows 10 trên VirtualBox để kiểm tra xem Windows 10 trên máy tính ảo đã có thể hoạt động được hay chưa.
Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)