1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Các "nhân tài Đất Việt" thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao?

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Những người chinh phục đỉnh cao Nhân tài Đất Việt và bước phát triển của họ, là thước đo chân thực nhất cho giá trị mà Giải thưởng mang lại.

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 1

Chặng đường 15 năm phát triển không dài, không ngắn, nhưng đủ để khẳng định tầm vóc và giá trị của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã mang lại không chỉ dành riêng cho những đội thắng, mà còn khẳng định sự đóng góp mang tính quốc gia.

Đến nay, Giải thưởng đã vinh danh hàng trăm nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, nhiều công trình, sản phẩm đi ra từ giải thưởng đã trở thành sản phẩm có giá trị nhiều triệu đô la, được thế giới đón nhận.

Vậy những người chinh phục đỉnh cao Nhân tài Đất Việt, giờ đây họ ra sao, đang làm gì? Hãy cùng chúng tôi tìm lại một vài cá nhân tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm người khác, như là những thước đo chân thực nhất cho giá trị mà Giải thưởng Nhân tài Đất Việt mang lại.

1. Đào Kiến Quốc

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 2

Thầy Đào Kiến Quốc, giải Nhất 2006 với sản phẩm "Phần mềm thi trắc nghiệm và chấm điểm tự động Mr Test phiên bản 3.0".

Tục ngữ có câu "Muốn thành công hãy là kẻ đến sau". Nhưng có người lại cho rằng những ai đi trước mà thành công mới thực sự đáng ngưỡng mộ.

Đối với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, thì thầy Đào Kiến Quốc chính là người tiên phong lĩnh xướng, là quán quân đầu tiên được trao giải của cuộc thi.

Khi ấy là vào năm 2006, khi đất nước bắt đầu với xu thế cách mạng di động, viễn thông bùng nổ. Thầy Quốc - nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT, giảng viên CNTT của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, mang đến cuộc thi sản phẩm "Phần mềm thi trắc nghiệm và chấm điểm tự động Mr Test phiên bản 3.0", và đã đạt giải cao nhất.

Đến nay sau 14 năm, sản phẩm vẫn được phát triển và áp dụng tại hơn 800 cơ sở, đơn vị chấm thi trên cả nước, được Bộ Giáo dục & Đào tạo ứng dụng một phần cho công tác tổ chức các kỳ thi quốc gia.

Một lần bước lên bục vinh quang là chưa đủ. Năm 2018, thầy Quốc đã một lần nữa quay trở lại Nhân tài Đất Việt với sản phẩm "Nền tảng đặt và điều vận xe trực tuyến EMDDI", và xuất sắc đạt giải Ba.

Tới nay dù đã gần 70 tuổi, thầy Đào Kiến Quốc vẫn kiêm nhiệm vai trò là Giám đốc sản phẩm tại EMDDI, nhưng chủ yếu chỉ tham gia hỗ trợ định hướng công nghệ, thay vì nghiên cứu chuyên sâu.

2. Hoàng Ngọc Trung

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 3

Hoàng Ngọc Trung, giải Nhất 2007 với sản phẩm "Cổng thông tin đào tạo trực tuyến".

Nói về những thí sinh từng không dưới một lần gắn bó với Nhân tài Đất Việt, thì anh Hoàng Ngọc Trung - CEO AI Việt Nam, có lẽ là một nhân vật hết sức đặc biệt.

Năm 2007, sản phẩm "Cổng thông tin đào tạo trực tuyến" của Hoàng Ngọc Trung xuất sắc đạt giải Nhất tại cuộc thi. Năm 2013, anh tiếp tục quay lại với một dự án khác liên quan tới trí nhân tạo thông minh và đạt giải khuyến khích.

Đến năm 2020, Hoàng Ngọc Trung cho biết sẽ tiếp tục tìm đến Nhân tài Đất Việt, mang theo một dự án lớn hơn, hiện đại hơn, với ước mơ là người đầu tiên đạt kỷ lục 2 giải Nhất tại một cuộc thi có tầm cỡ quốc gia.

3. Lê Công Thành

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 4

Lê Công Thành, đạt giải Nhất 2016 với sản phẩm "Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC".

Năm 2016, trong một mùa thi kỳ diệu với 2 giải Nhất được xướng tên, Lê Công Thành - CEO InfoRe với sản phẩm "Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC" đã xuất sắc là một trong hai người thắng cuộc.

Sau 4 năm, InfoRe của Lê Công Thành vẫn đang không ngừng nghiên cứu, cập nhật công nghệ hiện đại; chế tạo, phát minh các sản phẩm phần mềm ứng dụng công nghệ 4.0; huấn luyện đội ngũ nhân sự là sinh viên theo mô hình vừa học vừa làm.

Định hướng của công ty đó là trở thành một "doanh nghiệp số" - với tỷ lệ hoạt động 80% trên không gian số, và chỉ 20% các hoạt động diễn ra ở văn phòng công ty. Chính nhờ sự chuyển đổi mạnh mẽ này, năm 2020, InfoRe đã được đại diện các Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Thông tin & Truyền thông tặng bằng khen nhờ “Có thành tích xuất sắc tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

4. Đào Xuân Hoàng

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 5

Đào Xuân Hoàng, giải Nhất 2016 với ứng dụng Monkey Junior.

Là một trong 2 đội giành giải Nhất năm 2016, ứng dụng Monkey Junior của CEO Đào Xuân Hoàng có lẽ gần gũi và được biết đến rộng rãi hơn, đặc biệt là với các phụ huynh muốn dạy tiếng Anh cho con em mình trên điện thoại.

Kể từ khi đạt Giải Nhất 2016, Monkey đã nghiên cứu và ra mắt thêm 3 sản phẩm khác: Monkey Stories, Monkey Math và VMonkey. Tất cả đều là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, và giúp hàng triệu trẻ em tiếp cận với kiến thức bổ ích.

Tới nay, Monkey Junior và Monkey Stories luôn chiếm Top 5 "ứng dụng Giáo dục phổ biến" trên Play Store và App Store, trong đó Monkey Stories thậm chí được Apple vinh danh là "Ứng dụng Tốt nhất được viết bởi người Việt".

Đại diện của Monkey cũng cho biết tính đến cuối năm 2020, bộ ứng dụng của công ty đã chạm mốc 10 triệu người dùng trên toàn thế giới.

5. Ngô Xuân Huy

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 6

Ngô Xuân Huy, giải Nhất 2014 với sản phẩm "Ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên di động Money Lover"

Nói về sản phẩm thành công tiêu biểu sau khi đạt giải thưởng ở Nhân tài Đất Việt, không thể không kể tới Money Lover - sản phẩm do CEO Ngô Xuân Huy giới thiệu.  Điều đáng nói là tại thời điểm tham dự cuộc thi, Money Lover có tập khách hàng trong nước không cao, mà chủ yếu phục vụ thị trường nước ngoài.

Sau cuộc thi, sản phẩm cũng đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá quốc tế từ Google và Apple như Ứng dụng tốt nhất năm, Danh hiệu Nhà phát triển hàng đầu, Ứng dụng được đề xuất bởi Biên tập viên,... đủ cho thấy giá trị mà Money Lover mang đến.

Chia sẻ về định hướng của Money Lover trong thời gian tới, đại diện công ty cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng khách hàng để xây dựng các kế hoạch tài chính và phương án tiết kiệm cho các cột mốc quan trọng của cuộc đời như lập gia đình, mua nhà, nghỉ hưu.

6. Trần Trọng Tuyến

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 7

Trần Trọng Tuyến, giải Ba 2013 với sản phẩm "Giải pháp phần mềm bán hàng online trên nền tảng điện toán đám mây BIZWEB".

Tại các cuộc thi tìm kiếm tài năng, vinh quang luôn tìm đến với người đạt giải Nhất. Nhưng ở Nhân tài Đất Việt, ngay cả những đội giải Nhì, thậm chí giải Ba, cũng có được "đòn bẩy" không kém.

Lấy trường hợp anh Trần Trọng Tuyến, bấy giờ là CEO Bizweb, vốn chỉ đạt giải Ba Nhân tài Đất Việt 2013 với cột mốc khiêm tốn sau 5 năm thành lập. Tới năm 2018, Bizweb hợp nhất với Sapo ra mắt nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo X.

Tới nay, Sapo của Trần Trọng Tuyến đã phát triển bùng nổ, ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh, không chỉ tập trung ở lĩnh vực nòng cốt là thiết kế - vận hành website bán hàng. Tính đến thời điểm tháng 10/2020, Sapo cán mốc 90.000 khách hàng trên toàn quốc và tại Đông Nam Á.

7. Đậu Ngọc Huy

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 8

Anh Đậu Ngọc Huy, giải Nhì 2018 với sản phẩm "Nền tảng lập trình Voice, Video, SMS - Stringee.

Năm 2018, sản phẩm "Nền tảng lập trình Voice, Video, SMS", hay Stringee đạt giải Nhì. Ngay từ khi nhận giải, Stringee đã được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao về tiềm năng và cơ hội thành công.

Tới nay, mặc dù là một năm đầy thách thức với dịch Covid-19, nhưng Stringee -  nhờ xoay quanh giải pháp liên quan liên lạc/giao tiếp trực tuyến cho doanh nghiệp, nên đã không ngừng bùng nổ, dự kiến tăng trưởng 400% so với năm 2019.

Stringee cũng là một trong 3 đội thi Nhân tài Đất Việt được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cử trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam” để thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

8. Hồ Minh Đức

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 9

Hồ Minh Đức, giải Nhì 2018 với sản phẩm "Giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chuyển đổi văn bản tiếng Việt sang giọng nói tự nhiên Vbee"

Là đội đồng giải Nhì tại Nhân tài Đất Việt 2018, Vbee là đơn vị tiên phong tại Việt Nam mang đến các giải pháp xử lý ngôn ngữ như chuyển văn bản thành giọng nói (Text to speech), nhận dạng giọng nói (Speech To Text), hội thoại thông minh (smartdialog), tổng đài nhân tạo (AI Call center…).

2 năm sau khi nhận giải, CEO Hồ Minh Đức của Vbee cho biết từ điểm tựa Nhân tài Đất Việt, công ty tiếp tục ra mắt thêm các giọng nói đa ngôn ngữ bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật; trở thành cổng chuyển đổi văn bản thành giọng nói đa ngôn ngữ nhất tại Việt Nam.

Tính đến hiện tại, nền tảng VBEE đã cung cấp dịch vụ cho hơn 20.000 khách hàng cá nhân, hơn 500 doanh nghiệp, tổng công ty sử dụng rộng rãi trong 3 lĩnh vực chính là Tổng đài tự động, giải pháp tương tác thiết bị thông minh nội dung số tự động.

Trong tương lai, đại diện Vbee cho biết sẽ phấn đấu sẽ hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái các giải pháp công nghệ về ngôn ngữ, góp phần chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2020, Vbee được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cử trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam”.

9. Đỗ Quốc Trường

Các nhân tài Đất Việt thành danh từ Giải thưởng, giờ ra sao? - 10

Đỗ Quốc Trường, giải Nhất 2019 với phần mềm tự động chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt sang văn bản, gọi tắt là "Origin-STT".

Là quán quân mới nhất của Nhân tài Đất Việt, Đỗ Quốc Trường - CEO VAIS là cái tên có lẽ đã quá quen thuộc với bạn đọc theo dõi báo điện tử Dân trí.

Sản phẩm Origin-STT của VAIS hiện được ứng dụng nhiều nhất trong việc hỗ trợ các cuộc họp cần ghi lại biên bản, giúp thư ký ghi lại được ý kiến chỉ đạo một cách nhanh chóng, giảm thiếu sót.

Bên cạnh đó, VAIS cũng phát triển nhiều sản phẩm khác như Hệ thống đánh giá Tổng đài chăm sóc khách hàng, Tổng đài tự động… giúp khách hàng tự động hóa các quy trình đơn giản mà không cần tới con người. 

Trong tương lai, VAIS muốn mở rộng không chỉ trong lĩnh vực giọng nói mà còn thêm hình ảnh (computer vision) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. VAIS cũng vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cử trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam”.

Đêm trao giải Nhân tài Đất Việt 2020 sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 23/12 tại Cung văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội, và được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo dự kiến, lịch chấm thi Sơ khảo tập trung vào ngày 6/12; Họp báo công bố kết quả Sơ khảo trong thời gian 9-10/12 tại 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Lịch chấm thi Chung khảo tập trung dự kiến vào 21-22/12/2020. Ban tổ chức sẽ liên hệ với các nhóm tác giả để thông báo lịch cụ thể.