Các mạng di động rậm rịch tuyên chiến với spam call

(Dân trí) - Gần đây, các cuộc gọi “nháy bẩn” (spam call) đã xuất hiện và trở thành “dịch” khiến nhiều người dùng điện thoại mất ăn mất ngủ. Một số nhà cung cấp đã ra lời “tuyên chiến” với những cuộc điện thoại quấy nhiễu này.

Gọi để… nghe nhạc

Đang ngủ, anh Nguyễn Trường Giang ở ngõ 43 Nguyễn Ngọc Nại - Thanh Xuân (Hà Nội) bỗng giật mình chồm dậy vì điện thoại réo vang. Anh cầm lấy chiếc điện thoại ấn phím nghe nhưng đầu dây bên kia đã nhanh chóng tắt. Một lúc, chuông lại vang lên. Vài đêm như thế, anh Giang đành tắt máy trước khi đi ngủ. “Tôi rất hay bị “nháy bẩn” cả ban ngày lẫn ban đêm”, anh Giang tức tối.

 

Thay vì những tiếng đổ chuông dài chỉ làm cho tâm lý người gọi thêm sốt ruột, một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như S-Fone với dịch vụ ColorRing, MobiFone với dịch vụ FunRing đã biến tiếng chuông chờ thành những bài hát, những điệu nhạc với âm điệu nhẹ nhàng, vui tươi để khiến thời gian chờ đợi cuộc gọi phần nào như được rút ngắn lại.

 

Tuy nhiên, nhiều người lại “thưởng thức” các dịch vụ này theo cách trái ngược hoàn toàn với mong muốn của nhà cung cấp: Gọi điện liên tục đến một thuê bao nào đó chỉ để… nghe nhạc chuông. Những cuộc gọi quấy nhiễu (spam call) này gây tâm lý vô cùng khó chịu cho chủ thuê bao bởi chỉ cần nhấc máy lên là đầu dây bên kia sẽ dập máy ngay lập tức.

 

Spam call đôi khi cũng chỉ đơn thuần là quấy rối vì muốn… trêu tức một thuê bao nào đó. Nếu bạn đã từng ít nhất một lần bị quấy rối bởi các cuộc gọi đổ chuông ầm ĩ vào lúc nửa đêm hoặc liên tiếp nhận được những tin nhắn nặc danh với lời lẽ thô tục hoặc có ý đe doạ, khiếm nhã… thì bạn sẽ hiểu sự khó chịu của các nạn nhân spam call. Điều đáng nói, “dịch” này đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, gây phiền nhiễu và ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý, tinh thần của không ít khách hàng.

 

Theo thống kê của các nhà cung cấp, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại rác nói trên được xác định thường là do mâu thuẫn giữa các thuê bao, vì nghịch ngợm, trêu chọc, thậm chí là để ... nghe nhạc ColorRing, FunRing. Nhiều người đã phải bỏ các dịch vụ này, thậm chí, phải đổi số thuê bao.

 

Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động cũng bị ảnh hưởng bởi spam call làm chiếm kênh, chiếm tài nguyên mạng; mất khách hàng, giảm uy tín chất lượng dịch vụ... thậm chí là sự nghi kị lẫn nhau giữa các mạng di động.

 

Không chỉ dừng lại ở một “trò đùa”, spam call đã mang những dấu hiệu rất rõ ràng của việc quấy rối có chủ đích. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài vừa qua, hàng loạt các vụ khiếu kiện liên quan đến spam call đều chỉ nhận được câu trả lời một cách chung chung và không thể giải quyết dứt điểm được.

 

Ngoài một số đời máy smartphone có hỗ trợ phần mềm chặn cuộc gọi theo ý muốn, còn lại “giải pháp” mà các mạng di động đưa ra cho các thuê bao của mình để tránh spam call là… tắt máy, hoặc bỏ chế độ nhạc chuông chờ.

 

Các nhà khai thác dịch vụ cùng nạn nhân của loại “dịch” này đang rất bối rối vì Việt Nam vẫn chưa có các điều luật và cơ quan đứng ra giải quyết những vụ việc như vậy.

 

S-Fone tiên phong “tuyên chiến” spam call

 

Theo các chuyên gia viễn thông, để bảo vệ quyền lợi khách hàng thì ngăn chặn những rắc rối do spam call gây ra là điều cần thiết. Đại điện của mạng di động S-Fone cho biết: chỉ tính riêng trong tháng 7/2006, mạng CDMA này đã nhận được 39 đơn, thư khiếu nại về spam call của khách hàng, trong đó thuê bao quấy rối (spammer) thuộc các mạng: VinaPhone (8), MobiFone (11), Viettel (15) và S-Fone (5).

 

Từ đầu tháng 8/2006, S-Fone chính thức ban hành Quy trình thủ tục xử lý khiếu nại liên quan đến spam call; trong đó có quy định sau khi S-Fone đã áp dụng đầy đủ các biện pháp nhắc nhở mà những kẻ quấy phá vẫn không dừng lại, S-Fone sẽ phản ánh lên cơ quan An ninh để xử lý.

 

Tuy nhiên, biện pháp này của S-Fone chưa thật đủ mạnh để chấm dứt tình trạng khách hàng phải nhận những cuộc điện thoại “nháy bẩn” không mong muốn. Khi spam call xảy ra, biện pháp trên cũng chỉ mang tính đối phó. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có quy chế cụ thể nào xử lý các số điện thoại quấy rầy người khác.

 

Để ngăn chặn spam call một cách triệt để, các mạng di động phải cùng bàn bạc và thống nhất về phương án chặn spam call; chính phủ cũng cần có qui định xử lý những người sử dụng điện thoại di động với mục đích quấy nhiễu người khác, người bị quấy nhiễu cần chuyển thông tin đến các cơ quan công an để được xem xét và có các hình thức xử lý.

 

Bảo Trung