1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Các lĩnh vực thay đổi cùng với sự phát triển của 5G

(Dân trí) - Mạng 5G không phải là sự cải tiến của 4G mà đó là một bước nhảy vọt về công nghệ. Hoạt động ở các băng tần 28, 38 và 60Ghz, 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn 100 lần so với mạng 4G hiện tại.

Trong cuộc thử nghiệm cách đây ít ngày của MobiFone, mạng 5G triển khai tại 04 thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà nẵng đã đạt tới tốc độ 2Gbps. Hơn thế, độ trễ đo được tại hai đầu thiết bị là vô cùng thấp, gần như bằng không, ở mức 1 mili giây. Điều này có nghĩa rằng bạn có thể tải xuống một bộ phim có độ nét Full HD chỉ trong vài giây hay phản hồi của kết nối được xử lý trong khoảng thời gian nhanh gấp 10 lần mắt người nhận biết một hình ảnh.

Các lĩnh vực thay đổi cùng với sự phát triển của 5G - 1

Không chỉ vượt trội về tốc độ và hạn chế độ trễ, 5G còn ưu việt hơn hẳn bất cứ mạng di động nào từng tồn tại trước đó bởi số lượng băng thông trên đơn vị diện tích nhiều hơn 1.000 lần, kết nối được nhiều thiết bị hơn gấp 100 lần, an toàn hơn và đặc biệt là giảm tới 90% năng lượng sử dụng mạng.

Với tất cả những tiêu chuẩn ưu việt kể trên, 5G sẽ mở ra vô số những tiềm năng mới cho Internet of Things, cung cấp cơ sở hạ tầng trụ cột cho những bước tiến khổng lồ về cách con người sống và kết nối.

Dưới đây là một số lĩnh vực được cho là sẽ có sự bùng nổ ngoạn mục với sự hỗ trợ của mạng 5G.

Công nghệ thực tế ảo

Với khả năng tạo ra một thế giới ảo với độ chi tiết đến khó phân biệt, công nghệ thực tế ảo và công nghệ thực tế tăng cường chắc chắn cần đến một mạng dữ liệu siêu nhanh để có thể phát triển. Chẳng thế mà Mark Zuckerberg đã từng phât biểu tại MWC 2016 rằng “VR sẽ là sát thủ của 5G”. Thực vậy, với kết nối 5G, các ứng dụng thực tế ảo sẽ có không gian đủ mạnh để phát triển những nội dung khổng lồ có tính ứng dụng cao như giải trí (game trực tuyến), thực hiện phẫn thuật từ xa, điều khiển robot ngoài không gian hay đào tạo, giáo dục thông qua các hệ thống mô phỏng.

Các lĩnh vực thay đổi cùng với sự phát triển của 5G - 2

Hỗ trợ cho các ứng dụng này không thể không nhắc tới hệ thống giao tiếp, truyền hình từ xa gần như không có độ trễ. Hiện tại, MobiFone đưa ra ứng dụng MegaMeeting với kết nối 500 điểm cầu với chất lượng gọi Full HD nhưng số này được kỳ vọng sẽ tăng lên gấp nhiều lần với 5G.

Điện toán đám mây

Với mạng kết nối đủ mạnh, người dùng sẽ không cần phải dựa vào một hệ thống vật lý với cấu hình mạnh để xử lý các ứng dụng cao cấp. Thay vào đó là xử lý qua các ứng dụng online và máy chủ ảo. Điện toán đám mây cực kì hữu dụng đối với các nhà quản trị của các doanh nghiệp, hệ thống kinh doanh với ở mọi quy mô. Thay vì phải đầu tư nhiều thiết bị tốn kém đi kèm với bảo trì phức tạp, giờ đây chủ doanh nghiệp có thể trực tiếp triển khai kinh doanh, bán hàng hay thu thập dữ liệu hoàn toàn thông qua internet và các cloud dữ liệu. Lĩnh vực này đã rất phát triển tại Việt Nam, đi đầu là Trung tâm Công nghệ Thông tin của MobiFone với các gói giải pháp về máy chủ ảo VPS, hệ thống giám sát bán hàng mSale và quản lý kinh doanh mShop, hệ thống quản lý khách hàng thông minh mobiCRM hay giải pháp hợp nhất các đa kênh chăm sóc khách hàng Cloud Contact Center.

Trí tuệ nhân tạo

Các lĩnh vực thay đổi cùng với sự phát triển của 5G - 3

Xử lý dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo luôn đòi hỏi những luồng thông tin cực mạnh của các siêu máy tính. Khi hệ thống kết nối được cập nhật lên 5G, công việc nặng nhọc này sẽ dễ dàng được chia sẻ giữa nhiều thiết bị khác nhau. Dựa vào những “bộ não” được liên kết với nhau gần như tức thời, con người có thể tự tin giao phó cho hệ thống những nhiệm vụ phức tạp như điều hành hệ thống giao thông, xe tự lái hay trả lời điện thoại, xử lý giao tiếp với khách hàng hoàn toàn bằng trợ lý ảo. Trên thực tế ở giai đoan này, những ứng dụng cơ bản của trí tuệ nhân tạo đã được nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm thành công như Mobifone.AI - giải pháp chuyển đổi toàn bộ văn bản sang giọng nói hay mAICallCenter với các tổng đài chăm sóc khách hàng hoàn toàn tự động.

Y tế đã và 5G

Nhiều người tin rằng 5G sẽ cách mạng hóa cách nhân viên y tế thực hiện phẫu thuật và quản lý các phương pháp điều trị y tế. Những đổi mới này bao gồm hai ứng dụng đó là chẩn đoán từ xa (tele-presence) và phẩu thuật từ xa. Đối với ứng dụng chẩn đoán từ xa sẽ cho phép một bác sĩ phẫu thuật theo dõi tình trạng theo thời gian thực của bệnh nhân để đưa ra những kết luận còn đối với ứng dụng phẫu thuật từ xa, ở đó các bác sĩ sẽ vận hành thiết bị phẫu thuật từ xa.

Ngoài ra, việc xây dựng những cơ sở dữ liệu với tốc độ xử lý cao cũng giúp cho các nhà nghiên cứu xây dựng được những mô hình dự đoán về thiên tai, dịch bệnh tốt hơn. Từ đó có cơ sở chuẩn bị những kịch bản đối phó kỹ càng hơn. Để dễ hiểu, những đại dịch như Covid-19 có thể sớm được phát hiện hoặc cảnh báo bởi trí tuệ nhân tạo từ rất sớm và tự động đưa ra những khuyến cáo, biện pháp ngăn chặn từ khi mới khởi phát. Điều này giúp giảm bớt rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch, tiết kiệm hàng tỷ đô la và hàng nghìn tính mạng bệnh nhân. Một minh chứng bước đầu, tại Trung Quốc, Công ty công nghệ ZTE và nhà khai thác mạng di động China Telecom tuyên bố đã thực hiện chẩn đoán từ xa qua mạng 5G đầu tiên của Trung Quốc về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. 

Với những ứng dụng đột phá kể trên, có thể tin rằng sự có mặt của 5G sẽ đem đến cho nhân loại một ngưỡng cửa phát triển đột phá.