Các "đại gia" di động nên "quên" chuyện cấm đoán ứng dụng OTT

Đại diện các doanh nghiệp nội dung và nhà mạng đều khẳng định, do giá smartphone cũng như cước dữ liệu 3G ở mức thấp nên Việt Nam đang là "thiên đường" để các ứng dụng OTT phát triển.

Vì vậy, các nhà mạng sẽ phải chấp nhận dịch vụ OTT như một xu thế không thể “cưỡng” lại.

Sự phát triển 3G là "ngòi nổ" cho việc bùng nổ của ứng dụng OTT

Tại Hội thảo dịch vụ OTT (Over The Top) trên hạ tầng băng rộng ngày 28/3, theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), hạ tầng băng rộng di động ngày càng phát triển mạnh cùng với giá thành thiết bị smartphone ngày càng thấp đã dẫn đến sự phát triển mạnh của các dịch vụ OTT mới như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet, gây tác động nhất định đến thị trường dịch vụ viễn thông.
Các đại gia di động nên quên chuyện cấm đoán ứng dụng OTT
Sự bùng nổ của các ứng dụng OTT như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng đang là một xu thế trên thế giới và việc chặn các ứng dụng này sẽ ảnh hưởng lớn đến người dùng.

Các ưu điểm của dịch vụ OTT bao gồm: tốc độ nhận tin nhắn rất nhanh, có khả năng gửi file đính kèm, số lượng ký tự lớn và tỏ ra ưu việt hơn hẳn dịch vụ nhắn tin SMS và MMS truyền thông. Đặc biệt, các ứng dụng này phần lớn đều miễn phí, sử dụng thông qua gói cước 3G của nhà mạng. Mặc dù vậy, các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí như Zalo, WhatsApp, Line…cũng có nhược điểm như chất lượng cuộc gọi thoại kém so với cuộc gọi truyền thống; để có thể nhắn tin hay gọi điện miễn phí, cả hai bên đều phải sử dụng cùng một phần mềm trong khi hiện nay có rất nhiều phần mềm OTT đang hoạt động; chỉ sử dụng được trên smartphone, không sử dụng được đối với các máy điện thoại thông thường hay không gọi được sang máy điện thoại cố định. Tuy nhiên, các nhược điểm trên hoàn toàn có thể được cải tiến trong quá trình phát triển của phần mềm để làm cho ứng dụng OTT gần hơn với cuộc gọi truyền thống.

Thực tế, sự bùng nổ của ứng dụng OTT cả trong và ngoài nước đã gây ra nguy cơ lớn đến nhà mạng di động khi chiếm phần lớn doanh thu của những dịch vụ viễn thông cơ bản như nhắn tin, gọi điện. Nhất là khi chất lượng cuộc gọi OTT được nâng cao tiệm cận chất lượng cuộc gọi di động truyền thống sẽ khiến doanh nghiệp viễn thông thiệt hại lớn vì phải đầu tư cho hạ tầng mà không có doanh thu tại các dịch vụ cơ bản. Trong khi chi phí dịch vụ, doanh thu quảng cáo nếu có sẽ chỉ dành cho doanh nghiệp sở hữu dịch vụ OTT. Ngoài ra, khi lưu lượng sử dụng OTT tăng cao, phần mềm cung cấp thêm chức năng như tải nhạc, xem phim trực tuyến, gửi nhận file dung lượng cao sẽ gây tắc nghẽn băng thông 3G của nhà mạng.

OTT là xu hướng không cưỡng lại được

Là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi điện thoại quốc tế - PC to Phone và thời gian qua cũng gặp phải sự cạnh tranh rất mạnh từ các ứng dụng OTT như Viber nhưng đại diện HQBC cho rằng, nhà mạng nên “quên” việc cấm đoán hay chặn các ứng dụng OTT vì sẽ ảnh hưởng đến chính doanh thu của nhà mạng. Nguyên nhân là người dùng smartphone hiện nay không có nhiều ứng dụng sử dụng dữ liệu trên mạng 3G và các ứng dụng dùng dữ liệu nhiều nhất đến từ các mạng xã hội, phần mềm liên lạc miễn phí. Vì vậy, nếu chặn ứng dụng OTT sẽ khiến người dùng không biết sử dụng mạng 3G vào việc gì và họ sẽ không đăng ký sử dụng nhiều các gói cước dữ liệu. “Nhà mạng nên đưa ra các gói cước dữ liệu phù hợp để những người có nhu cầu sử dụng ứng dụng OTT vẫn sử dụng được mà không bị ảnh hưởng nhiều đến doanh thu”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG (doanh nghiệp sở hữu ứng dụng Zalo), cho rằng, do đang diễn ra quá trình chuyển dịch các ứng dụng từ máy tính lên điện thoại di động nên sự xuất hiện của các ứng dụng OTT như Zalo, Line, Viber.. là “dễ hiểu”, nhất là khi smartphone  ngày càng có nhiều tính năng giống như một chiếc máy tính. VNG nhìn nhận, người dùng sẽ có nhu cầu lớn và sẵn sàng trả phí cho những dịch vụ tốt và sử dụng dữ liệu lớn như tin nhắn thoại, video… trên mạng 3G. Do các ứng dụng OTT đang có lượng người dùng rất lớn (Facebook có khoảng 12 triệu thành viên, Viber hiện có xấp xỉ 3,5 triệu người dùng ở Việt Nam) nên nếu các nhà mạng “chặn” dịch vụ OTT sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng. Chưa kể, các dịch vụ nước ngoài như Facebook, Viber... có thể đặt máy chủ ở nhiều nước với nhiều dải IP rất khó ngăn chặn. “Hiện Zalo đã gửi yêu cầu mong muốn hợp tác với các nhà mạng để cùng đem lại lợi ích tốt nhất cho người dùng”, ông Minh nói.

Ông Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT VTC Online ví von ứng dụng OTT là “con đẻ” của “cặp đôi” viễn thông và nội dung số nên chúng ta phải xem xét vấn đề này trên nhiều khía cạnh khác nhau để đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích của các doanh nghiệp và người sử dụng. Do giá cước 3G ở Việt Nam rất rẻ nên khi dịch vụ OTT phát triển, các nhà mạng chịu “thiệt thòi” về doanh thu do phải đầu tư hạ tầng mạng lưới rất lớn. Thay vì là một "nạn nhân", với hàng chục triệu khách hàng, nhà mạng di động nên tham gia tích cực và hợp tác sâu với các doanh nghiệp nội dung để cùng "kích cầu" thị trường thông qua những gói cước mới, từ đó kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng và chia sẻ “miếng bánh” doanh thu tạo ra.

Ông Nam cũng kiến nghị nhà mạng nên linh động khi kinh doanh dịch vụ, thay vì thu tiền ngay của người sử dụng thì có thể miễn phí trong thời gian đầu để tạo thị trường, thu hút người dùng, bởi chính các doanh nghiệp nội dung như VNG, VTC Online... đã đầu tư rất nhiều tiền để quảng bá sản phẩm nhưng chưa có ngay doanh thu. “Sau đó, chúng ta cùng nhau tạo ra các dịch vụ giá trị gia tăng khác để thu phí người dùng và tiến hành ăn chia”, ông Nam nhấn mạnh.
 
Theo ICTnews