Nhà mạng thất thu vì OTT và câu chuyện “sống còn”

(Dân trí) - Trong khi Zalo, Line, Kakao Talk, và WhatsApp bận rộn với cuộc chạy đua thu hút người dùng tại Việt Nam thì các nhà mạng liên tiếp “tố” những dịch vụ này đang khiến họ thất thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Câu chuyện về những ứng dụng nhắn tin miễn phí trên điện thoại - OTT (Over the Top), như Viber, WhatsApp, Line, KakaoTalk đã bắt đầu bùng nổ từ 2 năm nay, và cũng bằng chừng đó thời gian các nhà mạng trên thế giới “kêu trời” vì bị thất thu.

 

Một điều dễ hiểu vì sao những ứng dụng nhắn tin này đã khiến các nhà mạng đau đầu. Nguyên nhân đó chính là vì nhiều năm nay các dịch vụ nhắn tin là một trong những nguồn thu lớn của các nhà mạng nhưng một số lượng lớn tin nhắn đã đổ dồn sang những dịch vụ miễn phí. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Ovum, sự gia tăng của các ứng dụng nhắn tin miễn phí đã khiến các nhà mạng bị “nẫng tay trên” đến 23 tỷ USD doanh thu trong năm 2012, và dự đoán con số này sẽ tăng lên 54 tỷ USD trong năm 2016.

 

Một con số khổng lồ nên bất kể nhà mạng lớn nào cũng sẽ phải đắn đo suy nghĩ về câu chuyện “sống còn” nếu các ứng dụng OTT vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

 

Bắt tay hợp tác?

 

Có lẽ không thể nào phủ nhận được sức hấp dẫn của những dịch vụ nhắn tin miễn phí trên di động. Một thực tế đã cho thấy thị trường này đầy tiềm năng khi mà ngày càng nhiều người sử dụng các dịch vụ này. Viber hiện đang là dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí phổ biến nhất thế giới với hơn 175 triệu người sử dụng. Mới đây, Viber cũng công bố đã đạt 3,5 triệu người dùng tại Việt Nam mặc dù hãng công nghệ có trụ sở tại Cộng hòa Síp này chưa từng thực hiện một chiến dịch truyền thông nào tại Việt Nam.

 

Theo ông Talmon Marco, Giám đốc điều hành của Viber,  mỗi này ứng dụng của họ đón nhận 20.000 người dùng mới tại Việt Nam. Đây là một con số ấn tượng và đáng mơ ước cho bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào.

 

Trong khi đó, 3 ứng dụng Line (Nhật Bản), Kakao Talk (Hàn Quốc) và Zalo (Việt Nam) đang chạy đua đạt cột mốc quan trọng - 2 triệu người dùng bằng những chiến dịch truyền thông tốn kém từ TVC truyền hình cho đến những kênh PR trên báo chí và mạng xã hội.

 

Câu chuyện “sống còn” của các nhà mạng đã được nhiều nhà phân tích nói đến. Và một giải pháp mà người ta nhắc đến nhiều nhất đó là cần có một cái bắt tay giữa các nhà mạng và các nhà phát triển OTT. Theo công ty phân tích thị trường Ovum, hợp tác với OTT là nắm dao hai lưỡi đối với nhà mạng. Mặc dù việc hợp tác một mặt sẽ giúp bùng nổ các dịch vụ OTT và làm giảm doanh thu từ tin nhắn SMS, nhưng mặt khác sẽ giúp các nhà mạng vẫn theo kịp xu hướng phát triển của thị trường, và cũng sẽ tăng được doanh thu thông qua các gói cước thuê bao của dịch vụ nhắn tin miễn phí này. Điển hình như nhà mạng 3 của Hong Kong vừa ký hợp đồng độc quyền với dịch vụ WhatsApp, cho phép người dùng đóng phí 1 USD/tháng để sử dụng các dịch vụ của Whatsapp thoải mái mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng dữ liệu kể cả khi đi nước ngoài. Tương tự, Liên minh Viễn thông Ấn Độ cũng ra mắt gói dịch vụ “WhatsApp Plan” với giá 0,3 USD/tháng, cho phép người dùng sử dụng WhatsApp và Facebook không giới hạn. Trong khi đó, tập đoàn KDDI (Nhật Bản) cũng đã bắt tay với Line theo một cách thức hoàn toàn khác. Nhà mạng này bổ sung Line vào danh mục dịch vụ khuyến mãi cùng với 500 ứng dụng khác. Người dùng sẽ trả cước 4,7 USD/tháng.
 
Trên thế giới, các nhà mạng buộc lòng phải sống chung với OTT.

Trên thế giới, các nhà mạng buộc lòng phải "sống chung" với OTT.

 

Tuy vậy, giải pháp này chưa được các nhà mạng Việt Nam thực hiện bởi hiện tại cả 3 nhà mạng lớn đều cho biết sẽ chờ ý kiến chính thức của Bộ TT&TT về việc chặn hay hợp tác với các ứng dụng OTT. Tại hội nghị OTT diễn ra tại Hà Nội gần đây, đề xuất từ nhà mạng MobiFone cho rằng Bộ TT&TT nên chặn các dịch vụ OTT khi chưa có chính sách quản lý. Bởi theo nhà mạng này, mỗi năm MobiFone thất thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng do OTT. Trong khi đó, đại diện VNPT cũng lên tiếng cho rằng OTT đã làm thiệt hại từ 9-10% doanh thu của tập đoàn. Còn về phía Viettel, trong Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 do Bộ TT&TT tổ chức, nhà mạng quân đội cũng kiến nghị Bộ xem xét việc quản lý các dịch vụ OTT vì những cuộc gọi diện, nhắn tin miễn phí đã làm giảm doanh thu của Viettel đến hàng nghìn tỷ đồng/năm.

 

Dù vậy, đứng ở góc độ nhà quản lý, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT khẳng định các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí là xu hướng của cả thế giới và không thể đi ngược lại xu hướng đó. Đại diện của Bộ TT&TT cũng đã từng nói thế giới đã chấp nhận xu hướng này thì Việt Nam không có lý gì để đi ngược lại.

 

Về phía các nhà cung cấp dịch vụ OTT, như VNG, công ty phát triển dịch vụ Zalo, đã ngỏ ý muốn hợp tác cùng với các nhà mạng nhằm cung cấp các dịch vụ gia tăng để sau đó chia sẻ lợi nhuận.

 

… hay đối đầu?

 

Đây cũng là một giải pháp mà một số nhà mạng trên thế giới lựa chọn để “sống còn” với các đối thủ OTT. Verizon Wireless (Mỹ) đang nâng cấp dịch vụ nhắn tin Verizon Messages để cho phép người dùng gửi và nhận tin nhắn SMS và MMS trên nhiều nền tảng khác nhau, điện thoại, máy tính bảng Android, iOS.

Tin nhắn của Verizon được lưu trữ đám mây cho tất cả các thiết bị và có thể lưu được tối đa trong 90 ngày nếu người dùng không xóa. Người dùng cũng có thể lưu tin nhắn trong thẻ nhớ.

 

Dịch vụ Verizon còn cho phép người dùng cài đặt thông điệp tin nhắn trả lời tự động (Auto Reply) và các thông báo có thể tùy biến. Một công cụ tìm kiếm nội dung (Content Finder) giúp người dùng tìm kiếm hình ảnh, link trang web, thông tin liên lạc trong các tin nhắn một cách dễ dàng hơn.

 

Có thể thấy đây là một động thái cạnh tranh mạnh mẽ của nhà mạng trước sức ép quá lớn từ các ứng dụng OTT.

 

Tại Việt Nam, trước khi ý kiến chính thức của Bộ TT&TT được đưa ra, giải pháp đầu tiên mà các nhà mạng triển khai đó chính là nâng giá cước thuê bao 3G từ 40.000/tháng lên 50.000/tháng. Hướng xử lý này sẽ giúp các nhà mạng thu về thêm 100 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy vậy, có vẻ như đây không phải là giải pháp dài hơi bởi việc tăng giá cước đã gây ra nhiều tranh cãi. Mặc dù giá cước chỉ tăng lên 10.000 đồng/tháng, nhưng đây lại là mức tăng 25% so với giá trước đó. Trong khi đó, không phải tất cả khách hàng thuê bao 3G đều sử dụng các dịch vụ OTT nên sẽ có nhiều người không chấp nhận việc nhà mạng tăng giá để bù lỗ do OTT gây nên.

 

Theo nhiều chuyên gia về công nghệ, đứng trước sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT, nếu không có một hợp đồng chung hợp lý thì chính các nhà mạng nên tự phát triển dịch vụ của riêng mình.

 

Bởi, lợi thế của nhà mạng đã quá rõ. Các nhà mạng có một đặc quyền riêng, và chỉ có họ mới có thể tạo sự liên thông giữa các ứng dụng VoIP và VoLTE. Các nhà mạng có kinh nghiệm trong việc kết nối người dùng với các mạng lưới và các vùng địa lý khác nhau, và chính vì thế họ có thể tạo ra sự liên thông trong các ứng dụng. Nhờ đó, nếu các nhà mạng tham gia thị trường OTT thì họ sẽ có thế mạnh riêng, và tạo ra được sự khác biệt khi “mở” các ứng dụng OTT vốn bị “đóng” trong một nhóm người dùng. Nhờ đó, OTT của chính các nhà mạng sẽ hấp dẫn người dùng hơn các dịch vụ khác.

 

Theo các chuyên gia về viễn thông, việc sự khác biệt là yếu tố “sống còn” giúp các nhà mạng tạo ra các sản phẩm cạnh tranh trong cuộc chạy đua với các ứng dụng OTT. Ngoài ra, các nhà mạng cũng cần phải kiểm soát được lộ trình phát triển dịch vụ của mình nhằm sáng tạo và đổi mới mà không cần phụ thuộc vào các bên thứ 3.
 
Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm