Chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam:

Bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế số Việt Nam

(Dân trí) - Sáng 22/05, Bộ TT-TT tổ chức “Lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam" với sự tham gia của 11 doanh nghiệp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu VN.

Bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế số Việt Nam - 1

Lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Một trong những trụ cột quan trọng của chuyển đổi số phải kể đến công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM).

Bước chuẩn bị để đón nhận Đề án Chuyển đổi số quốc gia

Hiện các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đều đã chuyển dịch theo xu hướng này và nhu cầu khai thác ĐTĐM cũng đang tăng trưởng mạnh.

“Lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam” nhằm xây dựng một hệ sinh thái các doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam làm chủ công nghệ, cung cấp hạ tầng và dịch vụ điện toán đám mây đạt chuẩn để từ đó hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, phục hồi tốt hơn trong giai đoạn này.

Bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế số Việt Nam - 2

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Việt Nam phải làm chủ các hàng tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam. Thị trường Việt Nam đủ lớn 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới. Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số. Các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về ĐTĐM… không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài.

"Các DN công nghệ số Việt Nam trong lúc đại dịch này phải đẩy nhanh và làm chủ các hạ tầng, nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nền tảng ĐTĐM được phát triển bởi các DN Việt Nam dựa trên mã nguồn mở của 4 công ty. Các DN này đã đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật của Bộ TT&TT về ĐTĐM:
"Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng ĐTĐM. Chúng ta hy vọng rồi sau đây sẽ có thêm những DN Việt Nam khác phát triển hạ tầng ĐTĐM. ĐTĐM sẽ là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế số. Sự ra mắt của hạ tầng ĐTĐM ngày hôm nay là bước chuẩn bị để đón nhận Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký trong những ngày tới".
 
Bài học về ứng dụng CNTT qua giai đoạn chống dịch bệnh Covid-19
Bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế số Việt Nam - 3

Các doanh nghiệp điện toán đám mây tại sự kiện

Chia sẻ về những lợi ích trực tiếp của CNTT tác động lên thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định Việt Nam đã có được "một bài học quý giá".
"Nếu chúng ta làm chủ các hạ tầng, nền tảng thì sẽ rất chủ động và hiệu quả trong truyền thông như nhắn tin qua mạng di động, thông báo phòng chống dịch vang lên mỗi khi nhấc máy alo. Mạng xã hội Việt Nam đưa thông tin phòng chống dịch đầy đủ, trực tiếp đến 75 triệu người".
"Làm chủ các hạ tầng, nền tảng công nghệ cũng cho phép chúng ta phát triển các ứng dụng, các phần mềm phòng, chống dịch. Việt Nam là một trong các nước có nhiều phần mềm hỗ trợ chống dịch nhất và phát huy rất hiệu quả".

Tại sự kiện, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã công bố Bộ tiêu chí đánh giá các doanh nghiệp điện toán đám mây đạt chuẩn để các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sử dụng, bao gồm: Doanh nghiệp làm chủ về công nghệ điện toán đám mây mà mình đang cung cấp; Có hạ tầng riêng cho dịch vụ điện toán đám mây với quy mô từ 1000 server trở lên; và Sẵn sàng cung cấp ra thị trường.

VNG CLOUD, Viettel, CMC và VCCorp là bốn doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trên, đồng thời cũng là những doanh nghiệp nòng cốt tham gia chiến dịch do Bộ TT&TT phát động.

 Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 DN trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước. Dịch vụ ĐTĐM đã sẵn sàng đạt chuẩn, các DN có thể thuê với giá cả rất cạnh tranh. Thị trường ĐTĐM trong nước hiện nay đạt khoảng 200 triệu USD với mức tăng trưởng hàng năm trên 30% nhưng các DN Việt Nam mới chiếm được 20% thị phần, 80% vẫn là dùng đám mây đặt tại nước ngoài. Đây là một thị trường rất tiềm năng.
Nhận định về việc phát triển, bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá
cách tốt nhất để phát triển các hạ tầng trong nước là các DN và người dân Việt Nam hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam. "Việc phát triển các công nghệ mới về viễn thông, ĐTĐM, hội nghị truyền hình dựa trên các chuẩn mở, dựa trên mã nguồn mở là hướng đi đúng và phù hợp nhất đối với chúng ta. Cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam đang lớn mạnh cùng với cộng đồng mã nguồn mở trên thế giới", Bộ trưởng phát biểu.
Quý III năm 2020, Bộ TT&TT sẽ lần đầu tiên tổ chức đại hội mã nguồn mở Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ theo hướng này vừa phát triển đất nước, vừa đóng góp cho thế giới cũng như tận dụng tinh hoa của thế giới vào Việt Nam.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc VNG CLOUD, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam chia sẻ: “Các doanh nghiệp nòng cốt tham gia Lễ phát động hôm nay đều làm chủ về hạ tầng và công nghệ điện toán đám mây, nhờ đó làm chủ về giá thành dịch vụ, không bị phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài".

Bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế số Việt Nam - 4

Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc VNG CLOUD

"Khi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của đội ngũ kỹ sư Việt Nam đông đảo, việc đào tạo cho khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ... cũng là yếu tố vượt trội của doanh nghiệp đám mây trong nước so với nhà cung cấp nước ngoài. Với những ưu điểm này thì hy vọng điện toán đám mây sẽ lan toả rộng khắp, không chỉ ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà kể cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ", ông Trí cho biết.

Tại sự kiện, 11 doanh nghiệp tham gia chiến dịch cũng đã cam kết giảm giá 20% dịch vụ cho khách hàng trên tất cả các dịch vụ điện toán đám mây, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp tiếp cận và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bảo Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm