Bộ TT&TT: Không có chuyện "phong sát" nghệ sĩ vi phạm pháp luật ở Việt Nam

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định chưa bao giờ có khái niệm "phong sát" hay cấm sóng nghệ sĩ Việt.

Bộ TTTT: Không có chuyện phong sát nghệ sĩ vi phạm pháp luật ở Việt Nam - 1

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT khẳng định không có chuyện "phong sát" nghệ sĩ vi phạm pháp luật ở Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành quyết định về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo...

Tuy nhiên, hoạt động này hoàn toàn không phải là "phong sát" hay "cấm sóng" như đối với nghệ sĩ tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Tại cuộc họp thường niên của Bộ TT&TT ngày 5/5, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH-TTĐT), đã làm rõ vấn đề này.

Ông Do cho biết: "Qua nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước gần với chúng ta, có thể thấy chuyện phong sát nghệ sĩ vi phạm pháp luật hoặc tẩy chay/cấm sóng. Nhưng áp dụng vào Việt Nam, chúng tôi không dùng từ đó".

Theo đại diện cục PTTH-TTĐT, cách gọi đúng ở đây là hạn chế hoạt động, hạn chế hình ảnh của những nghệ có vi phạm về đạo đức, chuẩn mực, lối sống lệch chuẩn với bộ quy tắc ứng xử được Bộ Văn Hóa ban hành, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên báo chí, đài phát thanh truyền hình, trên mạng và trong các hoạt động biểu diễn trên sân khấu.

Có thể thấy rõ việc hạn chế hoạt động đối với nhóm nghệ sĩ Việt có nhiều khác biệt so với phong sát ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiêu biểu như trong giới showbiz Trung Quốc, sai lầm của nghệ sĩ có thể khiến họ phải đánh đổi bằng danh dự và cả sự nghiệp. Không chỉ chịu tác động của lệnh phong sát, họ còn phải sống với sự ghét bỏ của công chúng.

Tại Việt Nam, đây có thể được xem là một biện pháp "mềm" của cơ quan quản lý, nhằm vận động các cơ quan báo chí, cơ quan tổ chức sự kiện... ủng hộ chung tay làm sạch môi trường hoạt động biểu diễn, tránh cổ vũ, khuyến khích đối với nhóm nghệ sĩ vi phạm.

"Lý do không dùng từ "phong sát", hay "cấm" là vì nó sẽ trở thành một văn bản quy phạm pháp luật. Theo luật của Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân, phải đưa vào luật", ông Lê Quang Tự Do giải thích.

Về quy tắc cụ thể với các nghệ sĩ, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết đây là vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, quản lý nghệ sĩ và hoạt động biểu diễn. Hiện, Bộ TT&TT chỉ có vai trò phối hợp trong các vấn đề liên quan đến môi trường mạng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm