Phó Cục trưởng NTBD: "Không thích dùng từ phong sát, cấm sóng với nghệ sĩ"

Hương Hồ

(Dân trí) - Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói, ông không thích dùng từ "cấm sóng", "phong sát" đối với các nghệ sĩ vi phạm pháp luật.

Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Những phát ngôn phóng túng, những cách hành xử theo kiểu văn hóa "chợ búa" trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng.

Trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Lời nói, ngôn ngữ vốn là "cái vỏ vật chất của tư duy" nên hiện tượng "lệch chuẩn" trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ trên không gian mạng trong vài năm gần đây là một chỉ báo cho thấy cả nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đang đáng báo động.

Công chúng vốn là những người luôn theo sát các hoạt động của các nghệ sĩ, kể cả trong đời sống thực tiễn và trên không gian mạng nên thời gian qua, có không ít nghệ sĩ đã phải "trả giá" cho những lời nói, hành vi "lệch chuẩn" của mình.

Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành quyết định về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo...

Tuy nhiên, có nên cấm sóng hay phong sát nghệ sĩ vi phạm hay không lại là vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều tại tọa đàm về thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ, diễn ra chiều 19/4 tại Hà Nội.

Tại tọa đàm, trong khi một số bạn trẻ là sinh viên kiến nghị nên cấm sóng, phong sát các nghệ sĩ ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng, thì một số đại biểu khác lại cho rằng giải pháp này chưa phù hợp.

Phó Cục trưởng NTBD: Không thích dùng từ phong sát, cấm sóng với nghệ sĩ - 1

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Ban Tổ chức).

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bày tỏ, ông không thích dùng từ cấm sóng, phong sát với các nghệ sĩ vi phạm pháp luật vì việc này không phù hợp với văn hóa, điều kiện của đất nước. Ông Dương cho rằng, các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng cũng phải được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo ông Dương, hiện nay, xử lý các vi phạm này đã có Luật an ninh mạng, Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có các nghệ sĩ nhưng có lẽ đến nay chưa nhiều người nắm rõ bộ quy tắc này.

Ông Dương khẳng định, các nghệ sĩ nên thực hiện đúng Bộ quy tắc ứng xử nói trên. Các hành vi lăng mạ, hạ bệ nhau, quảng cáo sai sự thật… trên không gian mạng cần phải được xử lý.

Ông Dương cho biết thêm: "Cục Nghệ thuật biểu diễn đang làm việc với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra quy chế phối hợp tốt hơn nhằm giảm tác động tiêu cực của các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Theo lộ trình, dự thảo sẽ hoàn thiện trước tháng 10".

Phó Cục trưởng NTBD: Không thích dùng từ phong sát, cấm sóng với nghệ sĩ - 2

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ, không thích dùng từ cấm sóng, phong sát với nghệ sĩ (Ảnh: Ban Tổ chức).

TS. Ngô Ngọc Diễm, khoa Luật, Đại học Văn hóa Hà Nội nêu quan điểm: "Với tôi, những văn nghệ sĩ vi phạm pháp luật đã có những chế tài cụ thể, họ cũng chịu chi phối của pháp luật rồi. Vì vậy, không nên tạo ra nhiều áp lực cho họ. Tôi nghĩ cần phải ban hành pháp luật cụ thể hơn nữa để bảo vệ quyền con người cho nghệ sĩ. Chính có pháp luật, người ta sẽ hoạt động đứng đắn hơn, chuẩn mực hơn".

Dự tọa đàm, siêu mẫu Hạ Vy chia sẻ: "Với những nghệ sĩ ứng xử và phát ngôn chưa chuẩn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật, các cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp mạnh hơn chứ không nên chung chung. Có thể xem xét giải pháp xóa Facebook, TikTok… của người đó".

Đồng quan điểm, diễn viên trẻ Hàn Trang nói: "Tôi nghĩ việc phong sát giống như ở Trung Quốc quá nặng nề, có thể xem xét cấm diễn trong thời hạn hai, ba năm, tùy mức độ vi phạm".

Trước đó, trao đổi với phóng viên Dân trí, NSƯT Hạnh Thúy nói: "Biện pháp cấm sóng, hạn chế phát sóng theo tôi là đúng. Nghệ sĩ rốt cuộc cũng là công dân, phải chấp nhận quy định của pháp luật và các quy chuẩn xã hội. Như bất cứ mọi công dân nào, khi bạn vi phạm pháp luật thì việc bị pháp luật xử lý là điều đương nhiên bởi bạn phải có trách nhiệm với hành vi mình đã làm".

Tuy nhiên, NSƯT Hạnh Thúy cũng lưu ý thêm rằng khi đưa ra biện pháp hạn chế, cấm sóng người nổi tiếng vì ồn ào đời tư thì cần có cái nhìn đa chiều, công bằng: "Cái nào thực sự do lỗi nghệ sĩ, cái nào do dư luận tạo sóng, cần phải phân biệt được để tránh những tình huống oan uổng".

Vào cuối năm 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch từng ban hành "Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ" trong đó yêu cầu mỗi nghệ sĩ tuân thủ pháp luật, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi đổi mới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm