Bộ TT&TT công bố Bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông
(Dân trí) - Bản đồ công nghệ lĩnh vực TT&TT cho thấy ngành đang có những thay đổi mang tính cách mạng, và công nghệ số đã tạo ra sự thay đổi này.
Ngày 9/10, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III với các đối tượng quản lý tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố Bản đồ công nghệ lĩnh vực TT&TT. Đến nay, Bộ TT&TT là Bộ, ngành đầu tiên nghiên cứu và công bố 8 bản đồ công nghệ cho tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ.
8 lĩnh vực đó bao gồm: Viễn thông, bưu chính, báo chí, xuất bản, chính phủ số, an toàn thông tin, đại học số và công nghệ số.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, nhấn mạnh việc công bố bản đồ công nghệ lĩnh vực TT&TT cho thấy ngành đang có những thay đổi mang tính cách mạng, và công nghệ số đã tạo ra sự thay đổi này.
"Tương lai bây giờ không còn nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Và chúng ta phải sáng tạo ra tương lai mới của mình dựa trên công nghệ số", Bộ trưởng Hùng cho biết.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT, Bản đồ công nghệ nhằm trả lời 3 câu hỏi "sống còn" mà thế giới công nghệ số đặt ra cho mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Đó là: các xu hướng lớn nào ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số trong năm nay; Các công nghệ số nào có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro; các công nghệ số mới nổi nào nên thận trọng khi triển khai.
Được biết, Bản đồ công nghệ lĩnh vực TT&TT xây dựng dựa trên các chiến lược đã được phê duyệt, đồng thời tham khảo các báo cáo chuyên đề về xu hướng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ trên thế giới, cũng như ý kiến từ các chuyên gia trong nước.
Tại đó, mỗi bản đồ gồm một tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và một trang đồ họa thể hiện các thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đáng kể đến lĩnh vực.
Các công nghệ này được dự báo có tác động lớn đến cách thức tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ CNTT trong vòng 2 - 10 năm tới. Quốc gia nào càng chủ động trong việc tiếp thu và áp dụng các công nghệ này vào các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sẽ càng có khả năng cạnh tranh, chống chịu tốt hơn trong thời kỳ mới.
Về cơ bản, bản đồ công nghệ sẽ được các cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ hỗ trợ công tác quản lý, lập chiến lược mang tính dẫn dắt, xây dựng các kế hoạch triển khai từ ngắn hạn đến trung và dài hạn phù hợp với sự phát triển của công nghệ gắn với chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực.
Bên cạnh đó, bản đồ cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về ứng dụng, triển khai công nghệ mới, tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ đã lỗi thời.