Bộ trưởng TT&TT: "Covid-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số"
(Dân trí) - Năm 2021, Việt Nam trải qua những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, song đây cũng là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số.
Ngày 22/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 và đề ra kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2022 - 2024, định hướng đến năm 2025. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng Covid-19 được xem là một "cú huých trăm năm" cho chuyển đổi số.
"Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào chuyển đổi số. Covid-19 đã đẩy chúng ta khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về chuyển đổi số, về truyền thông", Bộ trưởng Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng, đây là một cơ may hiếm có để ngành CNTT nước nhà phát triển. Việc phải đương đầu với khó khăn, theo Bộ trưởng, đã làm cho chúng ta tự tin hơn, cũng như có tinh thần sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh, coi đây là động lực cho phát triển. Cụ thể, chỉ tính riêng doanh thu ngành TT&TT năm 2021 đã đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2020.
Nhìn nhận về năm 2022, Bộ trưởng khẳng định đây sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Đây cũng sẽ là năm đầu thực hiện các chiến lược mới gồm có Hạ tầng số, Dữ liệu, Bưu chính, An toàn thông tin mạng, Công nghiệp công nghệ số, Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, Kinh tế số và xã hội số, Chuyển đổi số báo chí.
"Năm 2022, việc thì nhiều hơn, yêu cầu thì cao hơn nhưng thu nhập lại chưa cao. Chúng ta phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, bỏ đi những việc không tạo ra giá trị, phẳng hóa bộ máy, tự động hóa các báo cáo", Bộ trưởng chỉ đạo.
Ngoài ra theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng cần đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc, nhất là các công cụ dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. "Khác biệt căn bản nhất của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư là máy móc thay lao động trí óc của con người", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Định hướng đến năm 2025, cả nước sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD.
Một lĩnh vực khác cũng được nhắc tới tại hội nghị, thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua, là Mobile Money - hay còn gọi là "ví điện tử viễn thông".
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Mobile Money sẽ giải pháp quan trọng để hoàn thành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia hướng đến người dân.
"Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, với mục tiêu người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng một cách tin cậy và chi phí hợp lý, Mobile Money là giải pháp hữu hiệu, quan trọng để thực hiện chiến lược này", ông Dũng cho biết.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng kỳ vọng, dịch vụ Mobile Money sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, cộng hưởng và hỗ cho các dịch vụ ngân hàng hiện có để tạo được hệ sinh thái năng động, bao trùm phục vụ người dân.
Được biết với sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chuyển đổi số ngành ngân hàng với nhiều mục tiêu, trong đó có 50% các món vay nhỏ lẻ được thực hiện bằng công nghệ số và 80% người dân có tài khoản ngân hàng vào năm 2025.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money từ ngày 9/3/2021. Theo đó, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con được phép tham gia thí điểm.
Đến nay, có 3 doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam là VNPT, Viettel và MobiFone đã được cấp phép triển khai dịch vụ.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, ngành ngân hàng xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu để tồn tại, hội nhập và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật Giao dịch điện tử để ngành ngân hàng chuyển đổi số thuận lợi và đảm bảo an ninh, bảo mật gắn với an toàn giao dịch điện tử.