Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "AI sẽ định hình tương lai của chúng ta"

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ TT&TT, nhấn mạnh rằng sự phát triển của AI là cơ hội, nhưng cũng là thách thức. Đó là khi cách quản lý AI sẽ định hình tương lai của chúng ta.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: AI sẽ định hình tương lai của chúng ta - 1

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi khai mạc Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam (Ảnh: BTC).

Sáng nay (12/12) tại thành phố Hạ Long, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức khai mạc Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam (Vietnam International Digital Week) lần thứ 2.

Với chủ đề "Ứng dụng AI diện hẹp" (Narrow AI Applications), sự kiện tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm chuỗi các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế... diễn ra từ 12/12 đến 15/12. Sự kiện có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp của các nước ASEAN và các nước đối thoại.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng sự phát triển của AI là cơ hội, nhưng cũng là thách thức. Đó là khi cách quản lý AI sẽ định hình tương lai của chúng ta.

"Trong thời đại cách mạng AI, tương lai không phải là một đường nối dài của quá khứ", Bộ trưởng nhận định. "Các nước đang phát triển nếu biết nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả lợi ích của AI sẽ có tiềm năng phát triển đột phá, bắt kịp các nước phát triển".

Bộ trưởng cho rằng chúng ta hiện đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, sự hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực AI diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của cuộc cách mạng AI và có chiến lược quốc gia dài hạn.

Do đó, cần sớm nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả lợi ích của AI để có tiềm năng phát triển đột phá, bắt kịp các nước phát triển. "Cuộc cách mạng AI đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hợp tác để tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu rủi ro", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: AI sẽ định hình tương lai của chúng ta - 2

Nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của cuộc cách mạng AI và có chiến lược dài hạn để phát triển công nghệ này (Ảnh: Getty).

Trên thế giới, Liên Hợp Quốc và Liên minh Viễn thông Quốc tế xác định AI là lĩnh vực hợp tác quan trọng và đã tổ chức nhiều hội nghị về chủ đề "AI for Good". Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cũng tin rằng cuộc cách mạng AI sẽ mang tính biến đổi nhiều hơn tất cả các cuộc cách mạng nói trên trong 50 năm qua cộng lại.

"Do vậy, Việt Nam không thể bỏ lỡ cuộc đua này", Bộ trưởng nhấn mạnh. Để đảm bảo tập trung nguồn lực cho cuộc cách mạng AI, Bộ trưởng cho biết các chính phủ phải phát triển cơ sở hạ tầng AI, lực lượng lao động AI và thiết lập khung pháp lý cho AI.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải tăng cường hợp tác để tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu rủi ro, Bộ trưởng cho biết.

Về lý do lựa chọn tên gọi "Ứng dụng AI diện hẹp", Bộ trưởng cho rằng AI diện hẹp là AI chuyên biệt và tập trung.

Tại đó, các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế và đào tạo cho một nhiệm vụ cụ thể hoặc một nhóm nhiệm vụ hẹp. Chúng có hiệu quả cao trong phạm vi được xác định từ trước, và sẵn sàng để áp dụng rộng rãi.

Tại sự kiện ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, cho rằng điều quan trọng là xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

"Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi CĐS đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển", ông Huy nói.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển mạnh kinh tế số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế, đồng thời xem đây là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh, đồng thời tập trung xây dựng hạ tầng "mềm", hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số.