Bất chấp sức ép từ Mỹ, Hàn Quốc vẫn không “cấm cửa” Huawei

(Dân trí) - Mỹ đang sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để buộc các quốc gia đồng minh thân cận không sử dụng các thiết bị mạng của Huawei, tuy nhiên, một số quốc gia đã từ chối yêu cầu này.

Từ năm 2019, chính Mỹ đã xem Huawei là một mối đe dọa về an ninh, với cáo buộc Huawei hỗ trợ chính phủ Trung Quốc để thu thập thông tin người dùng và phục vụ cho mục đích gián điệp.

Chính lý do này, từ tháng 5/2019, chính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào “danh sách đen”, cấm mọi giao dịch với các công ty của Mỹ và hạn chế khả năng tiếp cận với các công nghệ Mỹ. Đến tháng 5/2020, lệnh cấm này được gia hạn, siết chặt hơn nữa các lệnh cấm đối với Huawei.

Bất chấp sức ép từ Mỹ, Hàn Quốc vẫn không “cấm cửa” Huawei - 1

Chính phủ Hàn Quốc muốn để các nhà mạng tự do lựa chọn nhà cung cấp thiết bị viễn thông, bao gồm cả Huawei

Không chỉ cấm tại Mỹ, chính quyền Washington còn gây sức ép lên các quốc gia đồng minh để buộc chính phủ các nước này cũng sẽ thi hành lệnh cấm đối với Huawei giống như mình. Trong khi một số quốc gia đã cấm Huawei theo yêu cầu của chính phủ Mỹ thì một số quốc gia khác vẫn không cấm Huawei hoặc cho phép các doanh nghiệp trong nước tiếp tục hợp tác với Huawei.

Theo truyền thông Hàn Quốc, một nhà ngoại giao nước này đã tiết lộ rằng trong cuộc đối thoại kinh tế chiến lược Hàn - Mỹ lần thứ năm diễn ra vào ngày 14 tháng 10 vừa qua, phía Mỹ đã nhắc lại kế hoạch “mạng lưới sạch” do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề xuất, với danh nghĩa rủi ro an ninh quốc gia nhằm gây áp lực buộc Hàn Quốc ngừng sử dụng thiết bị mạng 5G của Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc.

Trước đó, Mỹ đã đưa Korea Telecom và SK Telecom, hai nhà khai thác mạng viễn thông lớn ở Hàn Quốc, vào danh sách “các công ty viễn thông sạch” vì không sử dụng thiết bị của Huawei. Mỹ cũng yêu cầu một nhà mạng khác của Hàn Quốc là LG Uplus ngừng sử dụng thiết bị của Huawei càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, chính quyền Hàn Quốc đã đáp trả rằng sự lựa chọn thiết bị và công nghệ mà các nhà mạng sử dụng là quyết định riêng của các công ty, chính phủ Hàn Quốc sẽ không can thiệp vào quyết định của các công ty tư nhân.

Nhà ngoại giao Hàn Quốc tiết lộ chính quyền Seoul đã giải thích rõ quan điểm của mình với Mỹ, và nhấn mạnh rằng yêu cầu của Mỹ về việc loại trừ một công ty cụ thể nào đó (ở đây là Huawei) không phải là một phần thuộc các cuộc đàm phán kinh tế giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Trước đó, vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ “duy trì sự cởi mở chiến lược trong nỗ lực duy trì an ninh trong lĩnh vực công nghệ”.

Hàn Quốc không phải là quốc gia đầu tiên không muốn can thiệp vào thiết bị mà các mạng sử dụng. Trước đây, Anh cũng đã từng không muốn can thiệp, tuy nhiên, cuối cùng nước này cũng đã “cúi đầu” trước áp lực của Mỹ và ban lệnh cấm các nhà mạng sử dụng thiết bị của Huawei.

Hiện tại Huawei vẫn đang phải đối mặt với một tương lai bất định sau khi bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”. Không chỉ mất nhiều hợp đồng triển khai mạng 5G tại một số quốc gia, hiện Huawei cũng gặp khó khăn trên thị trường di động khi không thể tìm được đối tác sản xuất chip phù hợp khiến Huawei phải “khải tử” dòng chip Kirin do chính hãng phát triển. Mới đây, Huawei cũng đã đánh mất vị thế số một trên thị trường smartphone vào tay Samsung sau 2 tháng nắm giữ (tháng 6 và 7/2020).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm