Apple xâm nhập thị trường ĐTDĐ: Bài toán khó!

(Dân trí) - Ai cũng biết rằng iPod đã khuấy động thị trường nhạc số và đồng thời cũng là thiết bị “cứu rỗi” cho Apple. Thế nhưng, tham vọng mới của “Quả táo” với chiếc điện thoại iPhone sẽ ra mắt vào tháng 6 tới liệu có tạo nên một “lịch sử lặp lại” hay không?

Với chiến lược tung ra thị trường chiếc điện thoại nghe nhạc mang tên iPhone, Apple cũng muốn lặp lại thành công giống như iPod, muốn tạo nên một trào lưu mới cho giới tiêu dùng. Tuy nhiên, kinh doanh điện thoại lại là một chuyện hoàn toàn khác với việc bán máy nghe nhạc mà Apple đã “phất” như diều gặp gió với iPod.

 

Lý do rất đơn giản, hầu hết người dùng trên thế giới đã có điện thoại di động. Ở Anh, trên 80% hộ gia đình sở hữu ít nhất 1 chiếc mobile. Năm 2006, trên 1 tỷ điện thoại được xuất xưởng trên toàn cầu. Trong khi đó, năm ngoái, Apple - đang chiếm hơn 70% thị phần máy nghe nhạc di động - đã tiêu thụ được 39 triệu máy iPod.

 

Tuy nhiên, với iPhone, Apple không phải là kẻ khai phá thị trường này. “Quả táo” sẽ phải xâm nhập mảnh đất màu mỡ này vốn đã được nhiều tên tuổi lớn chiếm lĩnh.

 

Cạnh tranh công nghệ

 

Xét về các công nghệ mà Apple mang đến cho iPhone, ví như màn hình cảm ứng (touchscreen) thì thực tế, đã có quá nhiều điện thoại thông minh smartphone, như Nokia 6708, Sony Ericsson M600 và P990, được trang bị chức năng này kèm theo chiếc bút điện tử stylus.

 

Sony Ericsson cũng đã trình làng “chú dế” nghe nhạc W950 có màn hình touchscreen, bút stylus, khả năng nhận dạng chữ viết và cả bàn phím bấm đầy đủ. W950 được đánh giá cao hơn cả những phiên bản dành cho doanh nhân.

 

Từ chối bình luận về iPhone của Apple nhưng, Gilles Oriol - GĐ marketing sản phẩm của Sony Ericsson - nhấn mạnh, hãng sẽ không bao giờ sản xuất điện thoại lấy điểm nhấn là touchscreen. Chất lượng thoại vẫn là trên hết. Người tiêu dùng thích được bấm số trên bàn phím hơn là dùng touchscreen”.

 

Theo ông, màn hình cảm ứng ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ pin vì nó luôn ở tình trạng “on-bật”, ngốn rất nhiều điện năng.

 

Khó khăn đang chồng chất với iPhone vì trước “giờ vàng” ra mắt vào tháng 6 tới, các đối thủ của Apple đã tung ra thị trường nhiều thiết bị cầm tay để đón đầu, cạnh tranh.

 

Hồi tháng 2, Samsung trình diễn chiếc F700 có nhiều nét giống với iPhone nhưng sử dụng màn hình nhỏ hơn iPhone. F700 gây ấn tượng với bộ bàn phím trượt và camera 5 megapixel, hơn hẳn camera 2 "chấm" của điện thoại Apple.

 

Kiểu dáng đụng hàng

 

Trong khi đó, về kiểu dáng, iPhone vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất từ đối thủ LG Prada - sản phẩm hợp tác giữa LG và hãng thời trang nổi tiếng Prada. LG Prada vừa được trang bị màn hình cảm ứng vừa có kiểu dáng tao nhã giống iPhone.

 

John Bernard, GĐ marketing của LG ở Anh, cho biết, điện thoại Prada của họ đã được thiết kế từ lâu trước khi Apple ra mắt điện thoại nghe nhạc. “Phần thiết kế kiểu dáng do Prada đảm nhiệm trông rất tuyệt vời, vì thế, rất nhiều người trông ngóng ngày tung ra thị trường của LG Prada”.

 

Giới phân tích cho rằng, Apple đã rất thành công với máy nghe nhạc iPod nhưng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường di động là một khó khăn lớn mà “Quả táo” đang phải đối mặt khi muốn hiện thực hóa tham vọng chiếm lĩnh “lãnh thổ” này.

 

N.H.

Theo BBC