Apple lại từ chối mở khóa iPhone cho FBI

(Dân trí) - Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã gửi yêu cầu đề nghị Apple mở khóa hai chiếc iPhone của thủ phạm một vụ xả súng xảy ra hồi tháng 12 năm ngoái để phục vụ công tác điều tra, tuy nhiên, một lần nữa, “quả táo” lại từ chối lời đề nghị này.

Tuần trước, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã gửi yêu cầu nhờ Apple mở khóa giúp hai chiếc iPhone thuộc về Mohammed Saeed Alshamrani, kẻ đã gây ra vụ xả súng khiến 3 người chết và 8 người bị thương tại căn cứ của Hải quân Mỹ ở Florida hôm 6/12 vừa qua. Kẻ xả súng đã bị lực lượng an ninh bắn chết ngay sau đó.

FBI tin rằng việc mở khóa iPhone của Alshamrani sẽ giúp các nhà điều tra có thể tìm kiếm thêm các thông tin quan trọng liên quan đến tên này và biết được liệu có đồng phạm nào giúp đỡ y trong vụ xả súng hay không.

Tuy nhiên, trong một buổi họp báo vừa được tổ chức vào ngày hôm qua (14/1), Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr đã cho biết Apple từ chối lời đề nghị của FBI trong việc hỗ trợ mở khóa hai chiếc iPhone của Alshamrani.

Apple lại từ chối mở khóa iPhone cho FBI  - 1

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr không hài lòng vì Apple từ chối mở khóa iPhone của thủ phạm vụ xả súng

“Cuối cùng, tôi muốn giải quyết một vấn đề liên quan đến điện thoại của kẻ xả súng”, Bộ trưởng William Barr phát biểu tại buổi họp báo và chỉ về bức ảnh chụp 2 chiếc iPhone của Alshamrani. “Kẻ xả súng sở hữu hai chiếc iPhone của Apple, được nhìn thấy trong bức ảnh ở đây. Trong vòng một ngày sau vụ nổ súng, FBI đã tìm kiếm và nhận được ủy quyền của tòa án để tra cứu thông tin những nghi phạm tiềm năng khác mà kẻ xả súng đã liên lạc”.

“Trong cuộc đấu súng với cảnh sát, kẻ xả súng đã có đủ thời gian để dùng súng phá hủy thiết bị”, Barr cho biết thêm. “Các chuyên gia của chúng tôi tại FBI đã có thể sửa lại cả hai chiếc iPhone bị hư hỏng để có thể hoạt động được. Tuy nhiên, cả hai chiếc iPhone đều đã bị khóa bằng mật khẩu”.

“Biết được thông tin về những người mà kẻ xả súng đã liên lạc trước khi bị tiêu diệt là điều rất quan trọng”, Barr nói thêm. “Chúng tôi đã nhờ Apple giúp đỡ để mở khóa chiếc iPhone của kẻ xả súng. Đến nay, Apple đã không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ sự hỗ trợ nào. Tình huống này là một ví dụ hoàn hảo cho thấy tại sao các nhà điều tra cần có quyền truy cập vào bằng chứng kỹ thuật số một khi họ đã có được lệnh của tòa án. Chúng tôi kêu gọi Apple và các công ty công nghệ khác giúp chúng tôi tìm ra giải pháp để chúng tôi có thể bảo vệ cuộc sống của người Mỹ tốt hơn và ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự trong tương lai”.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple từ chối hỗ trợ FBI mở khóa iPhone của một nghi can khủng bố. Trước đó, vào ngày 2/12/2015, Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, cùng vợ mình, Tashfeen Malik, 29 tuổi, thực hiện một vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương. Cặp đôi này sau đó bị cảnh sát tiêu diệt trong một trận đấu súng khi đang trên đường chạy trốn.

Cảnh sát sau đó thu giữ được một chiếc iPhone 5C bị vứt trong một bãi rác gần hiện trường. Đây là chiếc iPhone thuộc sở hữu của Farook, nhưng đã được mã hóa và cài chức năng tự động xóa dữ liệu sau một số lần nhập sai mật khẩu. FBI tin rằng việc giải mã chiếc iPhone 5C này có thể giúp có thêm những đầu mối đến những kẻ đồng phạm khác của tên khủng bố và những kế hoạch khủng bố khác.

Một Thẩm phán Liên bang vào thời điểm đó đã yêu cầu Apple phải hỗ trợ các nhà chức trách mở khóa chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố, tuy nhiên, Apple đã từ chối yêu cầu này. Quyết định của Apple đã gây nên nhiều tranh luận trái chiều.

Lý do được Apple đưa ra để giải thích cho quyết định của mình đó là nền tảng iOS an toàn đến nỗi ngay cả Apple cũng không thể can thiệp để truy cập được dữ liệu chứa trên iPhone của người dùng. Và có vẻ như lý do cho lời từ chối hỗ trợ FBI lần này của Apple cũng tương tự như trường hợp trước đây.

Sau trường hợp của Syed Rizwan Farook vào năm 2015, FBI đã yêu cầu Apple phải thiết kế một “cửa hậu” trên nền tảng iOS của mình để nhà chức trách có thể truy cập vào thiết bị của tội phạm hoặc các nghi phạm khủng bố khi cần thiết, tuy nhiên, Apple cũng đã từ chối lời đề nghị này vì lo ngại rằng các tin tặc có thể lợi dụng tấn công vào “cửa hậu” này để lấy cắp trái phép dữ liệu trên iPhone của người dùng.

Một điều khá thú vị đó là vào năm 2006, tổng thống Donald Trump (vào thời điểm đó vẫn đang chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ) đã kêu gọi tẩy chay Apple vì “quả táo” từ chối hỗ trợ FBI mở khóa iPhone của nghi phạm khủng bố và khẳng định sẽ chuyển sang sử dụng smartphone của Samsung, đối thủ lớn nhất của Apple trên thị trường di động. Tuy nhiên, sau khi đắc cử vào chiếc ghế tổng thống Mỹ, Donald Trump vẫn “trung thành” với iPhone và thậm chí còn trở nên thân thiết với CEO Tim Cook của Apple.

T.Thủy
Theo PhoneArena/JG