Apple đang thắng thế FBI trong vụ kiện "yêu cầu bẻ khóa iPhone"

(Dân trí) - Apple vào ngày 26/2 vừa qua đã phải ra trước tòa để xử lý vụ việc có liên quan tới yêu cầu bẻ khóa một chiếc iPhone đã mã hóa thu được từ một kẻ khủng bố của FBI. Apple cho biết họ vẫn giữ nguyên lập trường và không chấp nhận yêu cầu từ FBI. Một thẩm phán tại New York mới đây đã công khai ủng hộ lý lẽ Apple, giúp họ dành được lợi thế lớn trong vụ kiện

Trong một vụ việc thu hút cư dân mạng gần đây, khi Apple đang trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận kéo dài sau khi từ chối lời đề nghị của chính phủ Mỹ giúp mở khóa chiếc iPhone đã mã hóa thu được từ tên khủng bố - kẻ đã thực hiên một vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương.

Ngay từ khi vụ việc diễn ra, Apple đã liên tục nhận được sự ủng hộ của nhiều công ty ở thung lũng Silicon, trong đó có ông chủ tập đoàn Google, hay nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cho biết ông rất "cảm thông với tình thế tiến thoái lưỡng nan này của Apple". Trong bối cảnh cuộc tranh cãi còn chưa đến hồi phân giải, thì một đại diện của pháp luật mới đây đã gây bất ngờ khi chính thức lên tiếng ủng hộ cho lý lẽ của Apple.

Apple đang thắng thế FBI trong vụ kiện "yêu cầu bẻ khóa iPhone" - 1

Cụ thể, một thẩm phán tại New York nhận định rằng Tòa án tối cao Hoa Kỳ không có quyền sử dụng "All Writs Act", một Đạo luật đã 227 năm tuổi để buộc Apple phải mở khóa một thiết bị trái với mong muốn của họ. Tuy nhiên, phản hồi này được đáp trả lại yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ vào tháng 10 vừa qua, với tang vật là chiếc iPhone 5s thuộc về tên trùm ma túy Jun Feng.

Trong vụ án này, Jun bị buộc tội sở hữu và phân phối chất gây nghiện "ma túy đá". Sau khi bị bắt, tên này đã thừa nhận tội trạng của mình. Từ đó cơ quan công tố tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, và chiếc iPhone của hắn là một trong những vật chứng quan trọng. Chính phủ Mỹ cùng các công tố viên đã liên tục gây sức ép, buộc Apple hợp tác để đưa đường dây của Jun Feng ra ánh sáng. Mặc dù là 2 vụ việc khác nhau, nhưng nếu Apple thành công kháng án và bảo vệ được quan điểm của mình, đây sẽ là tiền đề để họ tiếp tục chống lại được sức ép từ FBI và chính phủ Mỹ trong yêu cầu mở khóa chiếc iPhone 5C thu được từ tên khủng bố.

Apple đang thắng thế FBI trong vụ kiện "yêu cầu bẻ khóa iPhone" - 2

Cuộc tranh cãi giữa Apple và FBI vẫn chưa chính thức kết thúc, thế nhưng Apple rõ ràng đang chiếm nhiều lợi thế khi đứng trước Tóa án Tối cao, và ngày càng có nhiều tổ chức, đại diện pháp lý ủng hộ cho quan điểm của họ. Tuần trước, Apple đã đệ đơn phản hồi gồm 65 trang trình tòa án với nội dung cho rằng những yêu cầu của tòa án và FBI là vi phạm quyền hiến pháp của công ty. Một buổi điều trần để thảo luận về những bế tắc giữa Apple và FBI sẽ được diễn ra vào ngày 22/3 tại Tòa án Liên bang ở Riverside, California.

Còn bạn, bạn có ủng hộ quyết định của Apple? Hay cho rằng Apple đang quá ích kỷ khi không muốn hợp tác với chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố? Hãy chia sẻ suy nghĩ của mình ở ô "Bình luận" bên dưới.

Nguyễn Nguyễn

Apple đang thắng thế FBI trong vụ kiện "yêu cầu bẻ khóa iPhone" - 3