Apple bị chính phủ Mỹ tẩy chay vì “chơi trội”

(Dân trí) - Apple đã có quyết định khá bất ngờ khi rút toàn bộ các sản phẩm của mình ra khỏi tiêu chuẩn “thân thiện với môi trường”. Ngay sau khi đưa ra quyết định này, dường như Apple đã bị tẩy chay từ phía các cơ quan chính phủ Mỹ.

Apple đã yêu cầu EPEAT loại bỏ 39 sản phẩm đã từng được xác nhận thân thiện với môi trường, bao gồm máy tính để bàn, màn hình và laptop, kể cả các dòng sản phẩm của MacBook Pro và MacBook Air… ra khỏi danh sách các sản phẩm thân thiện với môi trường.

EPEAT là tổ chức được Chính phủ Mỹ thành lập, thông qua sự tài trợ của Cơ quan Bảo vệ môi trường Liên Bang và các nhà sản xuất để tạo ra tiêu chuẩn và xác nhận cho các sản phẩm điện tử có khả năng tái chế và được thiết kế để tối ưu hóa tối đa hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm thiểu tác hại môi trường.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn của EPEAT, các sản phẩm cần phải được dễ dàng tháo rời với các công cụ phổ biến, để tách các thành phần độc hại như pin ra khỏi sản phẩm chính trong quá trình tái chế. Các tiểu chuẩn được các nhà sản xuất kết hợp với EPEAT đưa ra , trong đó có cả Apple và các cơ quan chính phủ. 
 

Sản phẩm của Apple giờ đây đã không  còn “thân thiện với môi trường”
Sản phẩm của Apple giờ đây đã không  còn “thân thiện với môi trường”

Theo Robert Frisbee, CEO của EPEAT thì Apple đã từng nộp đơn lên tổ chức này từ tháng 6 với nguyện vọng không còn muốn máy tính của Apple được liệt kê trong danh sách chứng nhận của EPEAT. Đến tận hôm nay, EPEAT mới chính thức đưa ra thông báo và đưa các sản phẩm của Apple ra khỏi danh sách của mình.

Dường như ngay lập tức, Apple đã bị các cơ quan chính phủ Mỹ tẩy chay. Mặc dù có trụ sở tại thành phố Cupertino, chỉ cách không xa thành phố San Francisco tuy nhiên chính quyền thành phố San Francisco cho biết sẽ không bỏ thêm chi phí để mua sản phẩm của Apple.

Lý do mà thành phố San Francisco đưa ra chính là quyết định rút các sản phẩm ra khỏi danh sách “thân thiện với môi trường” của Apple.

Theo một đạo luật được chính quyền thành phố này đưa ra vào năm 2007 thì yêu cầu các cơ quan của thành phố phải đánh giá các sản phẩm điện tử, bao gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay và màn hình có chứng nhận của EPEAT hay không.

“Chúng tôi rất thất vọng trước việc Apple rút sản phẩm ra khỏi tiêu chuẩn EPEAT và chúng tôi hy vọng rằng động thái của thành phố không mua sản phẩm sẽ khiến Apple suy nghĩ lại quyết định của mình”, Melanie Nutter, Giám đốc Sở môi trường San Francisco cho biết.

Hiện tại EPEAT đang là một trong những tiêu chuẩn quan trọng tại thị trường Mỹ. Nhiều tập đoàn lớn tại Mỹ hiện chỉ đặt hàng để mua các sản phẩm từ các nhà sản xuất đạt được tiêu chuẩn xanh của EPEAT. Trong kho đó chính phủ Mỹ cũng yêu cầu 95% số lượng các sản phẩm điện từ trên thị trường phải đạt tiêu chuẩn của EPEAT.

Trong một cuộc khảo sát năm ngoái, có đến 222 trong tổng số 300 trường đại học lớn tại Mỹ yêu cầu phải trang bị hệ thống máy tính có tiêu chuẩn của EPEAT, trong khi đó có đến 70% số trường học tại Mỹ cũng yêu cầu chứng chỉ EPEAT cho các thiết bị điện tử mà học đặt mua.

Tuy nhiên dường như điều này không quá quan trọng với Apple khi mà doanh thu của hãng từ các tổ chức giáo chỉ chỉ chiếm khoảng 10 đến 15%. Các sản phẩm mang lại doanh thu chính cho Apple như iPhone và iPad hiện không nằm trong danh sách chứng chỉ của EPEAT.

Các chuyên gia dự đoán rằng không sớm thì muộn, Apple sẽ sớm tự xây dựng một tiêu chuẩn riêng thân thiện với môi trường nhưng phù hợp với các sản phẩm thiết kế của Apple.

T.Thủy
Theo Mashable/WSJ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm