1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

AI có thể viết các phần mềm độc hại tấn công người dùng internet

Nam Đoàn

(Dân trí) - Trong lĩnh vực an ninh mạng, chuyên gia phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kịp thời phát hiện và ứng phó với các cuộc tấn công qua internet, song hiện nay nó cũng là nguồn gốc của cái ác.

AI có thể viết các phần mềm độc hại tấn công người dùng internet - 1
AI đang là cơn ác mộng đối với các chuyên gia an ninh mạng (Ảnh minh họa: ZDnet).

Đây được coi là cơn ác mộng tồi tệ đối với các chuyên gia an ninh mạng khi ngày nay AI có thể tạo ra các chương trình độc hại từ những gì nó học được, giống như ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi bằng văn bản.

Các chuyên gia an ninh mạng sử dụng AI, cụ thể là máy học (ML: machine Learning - một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo), nhằm phát hiện các cuộc tấn công mạng nhanh chóng.

Song tin tặc cũng đã sử dụng công nghệ hiện đại này như một chiến binh, AI có thể tái tạo các mã tự động để tạo ra các phần mềm độc hại. 

Điều này cho thấy, trí tuệ nhân tạo đang bảo vệ và có thể tấn công người dùng internet trên toàn thế giới. 

Candid Wuest, Giám đốc công ty về sao lưu và bảo vệ dữ liệu Acronis, có trụ sở tại Thụy Sĩ tỏ ra lo lắng: "Đây là một cơn ác mộng, các phần mềm độc hại mới có thể được tạo ra mỗi giây bởi AI mà không cần sự can thiệp của con người".

"Thêm vào đó, tuổi thọ trung bình của các phần mềm độc hại này lên tới 2 đến 3 ngày, đòi hỏi các thuật toán AI và ML mới trở nên cần thiết để có thể phát hiện và ngăn chặn chúng tấn công đến người dùng internet", ông cho biết thêm.

Đáng chú ý, các tin tặc đang xoay sang tấn công các hệ thống liên quan đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta, từ robot hút bụi, khóa điện tử gara, thậm chí các bệ phóng tên lửa hay hệ thống thanh toán ngân hàng toàn cầu.

AI và ML cho phép các chuyên gia phân tích, dịch mã các mối đe dọa và tin nhắn bằng các ngôn ngữ khác nhau để hiểu rõ hơn những gì xảy ra trong không gian mạng. 

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với các cuộc tấn công mạng chẳng hạn như trong vũ trụ ảo Metaverse do ông chủ Facebook Mark Zuckerberg phát triển và hậu quả của nó sẽ như thế nào đối với người dùng.

Chẳng hạn như, liệu chúng ta có thể ngăn chặn việc đánh cắp hình đại diện NFT ( hoạt động như một chữ ký số, giúp tác giả có thể xác thực quyền sở hữu đối với tác phẩm nghệ thuật) đôi giày của hãng Gucci trong vũ trụ ảo không? Và ai sẽ làm điều đó? 

Vấn đề này sẽ còn cần một quãng thời gian dài để các chuyên gia an ninh mạng nghiên cứu thêm các phương pháp ngăn chặn. Đồng thời, những công ty về AI cũng cần phải có những thuật toán để kiểm soát loại công nghệ hiện đại này làm những điều xấu.