2 năm sau khi nhân viên tự sát vì áp lực công việc, Panasonic nhận lỗi

T.Thủy

(Dân trí) - Tập đoàn Panasonic đã lên tiếng nhận lỗi và đồng ý trả tiền bồi thường cho vợ của một nhân viên 43 tuổi, người đã tự sát vào năm 2019 sau khi mắc chứng trầm cảm vì áp lực công việc quá nhiều.

Hơn 2 năm sau cái chết của nhân viên, Panasonic mới lên tiếng nhận lỗi

Được biết, nam nhân viên xấu số này là phó trưởng phòng công nghệ tại nhà máy của Panasonic nằm ở thành phố Tonami (tỉnh Toyama). Anh này làm công nhân thời vụ tại nhà máy từ năm 2003 trước khi trở thành nhân viên chính thức vào năm 2009. Anh được chuyển từ bộ phận sản xuất sang phòng công nghệ từ tháng 4/2009.

Theo chia sẻ của gia đình, kể từ khi được thăng chức, khối lượng công việc của người này đã tăng lên đáng kể, buộc anh đã phải thường xuyên mang máy tính của công ty về nhà để hoàn thành công việc. Người này đã tự sát vào tháng 10/2019.

Panasonic chịu nhiều sự chỉ trích khi tạo môi trường làm việc với nhiều áp lực khiến nhân viên tự sát (Ảnh: PNG).

Panasonic chịu nhiều sự chỉ trích khi tạo môi trường làm việc với nhiều áp lực khiến nhân viên tự sát (Ảnh: PNG).

Người vợ góa của nam nhân viên đã nộp đơn lên Văn phòng Kiểm tra Tiêu chuẩn Lao động của thành phố Tonami, yêu cầu phía Panasonic phải bồi thường cho cái chết của chồng mình. Sau khi điều tra, cơ quan quản lý lao động xác định rằng nhân viên này đã rơi vào tình trạng trầm cảm nặng vì áp lực quá lớn mà anh phải đối mặt sau khi được thăng chức, nên anh đã tự tìm đến cái chết để giải thoát.

Hơn 2 năm sau cái chết của nam nhân viên kể trên, ngày 8/12 vừa qua, Panasonic đã đưa ra lời xin lỗi và chấp nhận bồi thường đến gia đình nhân viên đã tự sát, khi vợ của người này chuẩn bị nộp đơn lên tòa án để kiện Panasonic về cái chết của chồng mình.

Trong thỏa thuận mới đạt được với gia đình của nam nhân viên xấu số, ban lãnh đạo Panasonic lên tiếng xin lỗi vì đã tạo ra môi trường làm việc dẫn đến kết quả bi thảm cho nhân viên của mình. Ban lãnh đạo công ty cho biết họ không nhận ra rằng đã áp đặt khối lượng công việc nặng nề đến mức nhân viên này buộc phải mang công việc về nhà để làm.

Dù không có bằng chứng nào cho thấy Panasonic đã ép buộc người này phải làm thêm việc ở nhà, Panasonic vẫn công nhận số giờ mà nam nhân viên này đã làm việc tại nhà là giờ làm thêm hợp pháp và công ty sẽ chi trả lương cho khoảng thời gian này.

"Vụ việc của Panasonic khiến định nghĩa về giờ làm việc của cơ quan quản lý lao động Nhật Bản không còn phản ánh đúng thực tế của người lao động ngày nay", Tadashi Matsumaru, luật sư đại diện cho gia đình của nhân viên xấu số, cho biết.

Không phải trường hợp đầu tiên

Đáng chú ý, đây không phải là trường hợp đầu tiên nhân viên của Panasonic tự sát vì áp lực công việc. Năm 2016, một nhân viên khác ở độ tuổi 40 cũng làm việc tại nhà máy của Panasonic ở thành phố Tonami, đã tự sát vì áp lực công việc quá nặng nề.

Khi được yêu cầu bình luận về vụ tự sát mới nhất, đại diện Panasonic cho biết: "Vào năm 2019, một sự cố thương tâm đã xảy ra tại tập đoàn của chúng tôi, trong đó một nhân viên đã làm việc quá sức trong một thời gian dài, nhưng công ty đã bỏ bê nhiệm vụ quan tâm chu đáo đến sự an toàn của họ, dẫn đến cái chết của nhân viên. Chúng tôi sẽ tiếp tục mọi nỗ lực trong toàn bộ công ty để ngăn chặn sự cố tái diễn".

Vợ của nam nhân viên tự sát do áp lực công việc trong buổi gặp đại diện của Panasonic (Ảnh: Yusuke Noda).

Vợ của nam nhân viên tự sát do áp lực công việc trong buổi gặp đại diện của Panasonic (Ảnh: Yusuke Noda).

Góa phụ của nhân viên xấu số cho biết cô đã nhận thấy khối lượng công việc của chồng mình tăng mạnh kể từ khi anh được thăng chức. Cô cho biết chồng mình là mẫu người chăm chỉ nên luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao, tuy nhiên, đến tháng 9/2019, chồng cô đã tâm sự: "Anh không thể hoàn thành công việc, có quá nhiều việc để làm".

Một tháng sau đó, người này đã tự tước đi mạng sống của mình.

"Tôi nghi ngờ rằng anh ấy đã phải chịu áp lực thầm lặng để hoàn thành công việc của mình bằng cách mang công việc về nhà để làm", vợ của nam nhân viên đã tự sát cho biết. "Tôi thực lòng hy vọng cái chết của chồng mình sẽ khiến chính quyền trung ương và xã hội xem xét lại cách mọi người làm việc, bao gồm cả thời gian mà họ phải làm thêm việc tại nhà".

Năm 2017, một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện bởi Viện nghiên cứu JTUC (một tổ chức tư vấn thuộc Tổng Công đoàn Nhật Bản), cho thấy 30,9% số người được hỏi cho biết họ đã phải làm việc ngay cả khi đã về nhà. Cuộc khảo sát được tiến hành với 2.000 người làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân ở Nhật Bản.

Karoshi - Văn hóa "làm việc đến chết" tại Nhật Bản

Văn hóa làm việc tại Nhật Bản nổi tiếng là khá cực đoan và mệt mỏi với nhiều áp lực. Thậm chí, một thuật ngữ được ra đời để mô tả về tình trạng những người Nhật làm việc đến mức kiệt sức và tử vong, gọi là "Karoshi". Ngoài ra, khái niệm này cũng bao hàm cả những người tự tìm tới cái chết do không chịu được áp lực nặng nề của công việc.

Theo một số tài liệu, khái niệm "Karoshi" được xuất hiện lần đầu tiên sau Thế chiến II, khi mà Nhật Bản chịu thất bại sau cuộc chiến và mọi người phải nỗ lực làm việc để tái thiết đất nước. Trường hợp "Karoshi" đầu tiên được ghi nhận vào năm 1969, khi một công nhân 29 tuổi làm việc tại một phòng giao hàng đã tử vong do đột quỵ. Một cuốn sách được xuất bản vào năm 1982 đã đưa khái niệm "Karoshi" trở nên phổ biến trong công chúng.

Nhiều nhân viên tại Nhật Bản tìm đến cái chết do không chịu được áp lực công việc (Ảnh minh họa: JIC).

Nhiều nhân viên tại Nhật Bản tìm đến cái chết do không chịu được áp lực công việc (Ảnh minh họa: JIC).

"Karoshi" giờ đây đã trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối tại Nhật Bản, buộc chính phủ quốc gia này phải áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế số người tử vong do áp lực công việc.

Năm 2018, các nhà hoạch định chính sách đã thông qua dự luật sửa đổi luật lao động để cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chẳng hạn như giới hạn làm thêm giờ tối đa 45 tiếng mỗi tháng.

Tuy nhiên, các công ty lớn có thể khai báo gian dối về thời gian làm thêm giờ của các nhân viên và thậm chí các nhân viên cũng tự nguyện làm thêm quá số giờ quy định, do vậy chính sách này không thực sự có hiệu quả. Vào tháng 8 vừa qua, các nhà chức trách Nhật Bản đã khảo sát 24.042 công ty và phát hiện ra rằng 37% trong số đó có nhân viên làm vượt quá thời gian làm thêm giờ quy định.

Việc làm thêm giờ quá nhiều và áp lực công việc đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của các nhân viên. Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản trong năm 2019, cứ 10 vụ tự tử thì có một người tự sát vì liên quan đến công việc. Hiện Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia có số vụ tự sát hàng năm cao nhất thế giới.

Ngày nay, "Karoshi", hay tình trạng tử vong do làm việc quá sức hay do áp lực công việc, đã lan sang nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc hay Hàn Quốc… khi ngày càng có nhiều người trẻ tuổi lựa chọn cống hiến tuổi thanh xuân cho công việc. Tại Trung Quốc, văn hóa làm việc "996" (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần) cũng đã gây ra nhiều tranh cãi khi bị xem là một hình thức "bóc lột sức lao động".