159 ý tưởng giảng dạy sáng tạo thời 4.0 khiến học sinh mê mẩn

(Dân trí) - Soạn giáo án có giao diện như “app” khiến học sinh thích thú không rời mắt, dạy trẻ chế đèn học sử dụng năng lượng mặt trời ngay tại nhà, “code” sách giáo khoa thông minh sử dụng mã quét công nghệ mới nhất hiện nay… là những ý tưởng dạy học sáng tạo của thế hệ thầy cô 4.0.

Giáo dục sẽ như thế nào trong tương lai? Tony Wagner trong cuốn “Creating Innovators: The Making of Young People Who Will Change the World” đã trả lời rằng, giáo dục chắc chắn sẽ không còn lối truyền thụ kiến thức lấy điểm cao trong bài thi. Với những phương pháp sư phạm thích hợp, thầy cô phải là người thúc đẩy sức mạnh nội tại của đứa trẻ trong việc phát triển tư duy, phát hiện đam mê, biến chúng thành thế mạnh có ý nghĩa quyết định cuộc đời giữa bối cảnh tương lai đề cao sức sáng tạo và đổi mới.

Chung quan điểm này, hơn 1.000 thầy cô trên khắp cả nước đã gửi những ý tưởng giảng dạy đổi mới về diễn đàn Microsoft Education Exchange (E2 2020). Trong đó, 159 dự án sáng tạo nhất được chọn lọc và chia sẻ rộng khắp trong cộng đồng các giáo viên, nhằm mang đến những giờ học lý thú cùng trẻ giải quyết các thách thức lẫn vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay.

159 ý tưởng giảng dạy sáng tạo thời 4.0 khiến học sinh mê mẩn - 1

Tham gia E2 2020, cô Vũ Thị Yến (THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) đã mang đến dự án thú vị “Sách Địa lý thông minh”. Vẫn là “bộ tứ” thạch quyển, khí quyển, thủy quyển, sinh quyển và thổ nhưỡng quen thuộc của lớp 10, song chúng được tái hiện sinh động qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) mới nhất hiện nay. Mỗi khi học sinh đưa điện thoại lên quét tranh ảnh sẽ nhận về những bài giảng video tương tác trực tiếp, nội dung hấp dẫn “xem không rời mắt” từ các hãng phim tư liệu lớn nhất thế giới, điều mà rất ít nhà xuất bản ngày nay làm được.

Trăn trở dạy Sinh học 8 theo một cách khác đi cũng thôi thúc hai cô giáo Nguyễn Thị Huyền và Hoàng Quỳnh Lan (PTSNLC Wellspring, Hà Nội) phát triển dự án “Dream Hospital”. Các cô chia sẻ rằng từng nhận cả trăm câu hỏi “Làm sao biết con nhóm máu gì”, “Ông nội cao huyết áp có chữa được không”, “Sau này muốn làm bác sĩ thì thế nào”, “Tại sao con đến tuổi dậy thì mà xương chưa dài ra”… của học trò. Song sau khi tham gia dự án mở bệnh viện, 143 em đã có lời giải đáp. Trẻ đóng vai bác sĩ khám da liễu, tìm nhóm máu, đo huyết áp, sơ cứu gãy tay, tìm hiểu về mọi hệ cơ quan trong cơ thể và các bệnh tật phổ biến trong gia đình.

159 ý tưởng giảng dạy sáng tạo thời 4.0 khiến học sinh mê mẩn - 2

Môn Vật lý cũng trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với dự án “Hack Micro:bit” của thầy Trần Văn Huy (THPT Phan Huy Chú, Hà Nội). Hơn 20 bài giảng từ Chuyển động thẳng đều (lớp 10) đến Dòng điện xoay chiều (lớp 12) học đến đâu được thực hành ngay đến đấy. Chỉ với bộ bo mạch Micro:bit tí hon có khả năng mã hóa, hàng trăm học sinh của thầy đều được phát triển năng lực lắp ghép các thiết bị kết nối cảnh báo dữ liệu đến email, máy đo nhiệt độ, máy siêu âm… ứng dụng vào đời sống. Sau mỗi buổi học, sẽ không còn những câu hỏi nghi ngờ kiểu như “Học môn này ra để làm gì?” xuất hiện trong đầu con trẻ nữa.

Bên cạnh việc làm hấp dẫn hơn môn học trên trường lớp, nhiều dự án còn góp phần giải quyết các vấn đề nhức nhối ngoài xã hội. Dự án “Let's be safe online” liên môn Tin - Anh - Văn - Giáo dục công dân mà cô Võ Thị Trúc Mân (THCS Phan Chu Trinh, Đắk Nông) theo đuổi suốt 10 tuần đã giúp các học sinh nông thôn trưởng thành hơn rất nhiều khi tham gia Internet. Trẻ học được kỹ năng cần thiết để không bị bắt nạt trên mạng xã hội, nhận diện trang tin không phù hợp, đối phó với kẻ săn mồi trực tuyến, ngưng tiết lộ thông tin cá nhân đúng lúc…

159 ý tưởng giảng dạy sáng tạo thời 4.0 khiến học sinh mê mẩn - 3

Trong khi đó, dự án “Thắp sáng tri thức” của thầy Nguyễn Lý Thủy (Quốc tế Việt Úc) dạy trẻ sống trách nhiệm hơn với cộng đồng và hiểu giá trị của sự cho đi. Dự án phân các em vào 3 nhóm kỹ thuật, truyền thông và gây quỹ. Bằng nguồn vốn tự kêu gọi, các học sinh đã tự tay nghiên cứu và lắp ráp hàng trăm chiếc đèn học năng lượng mặt trời tặng cho các em tiểu học Cư Pui (Đắk Lắk), nơi chưa có hệ thống điện lưới quốc gia và ước mơ chong đèn học tối vẫn là điều xa xỉ.

Còn vô số những dự án dạy và học thời 4.0 khiến con trẻ mê mẩn được gửi đến Microsoft E2 2020. Diễn đàn mở thường niên nhằm đón thêm ý tưởng mới và có nhiều giáo viên năm nào cũng tham gia. Các thầy cô tâm sự rằng, điều tự hào nhất sau mỗi bài giảng đầu tư sáng tạo là sau khi học sinh ra trường vẫn nhớ về những dự án khiến các con tiến bộ hơn, thích đến lớp hơn. Không ít em còn nhắn tin chúc mừng thầy cô lọt vào vòng chung kết, hoặc nói lời cảm ơn vì đã dày công tạo ra những phương pháp giảng dạy truyền cảm hứng.

Ngày 12/1 sắp tới, 50 dự án xuất sắc nhất sẽ được vinh danh tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT (E2 Việt Nam). Sự kiện do Microsoft Việt Nam đồng hành cùng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức tại trường Quốc tế Việt Úc (10 Mai Chí Thọ, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, TPHCM). Dự kiến sẽ thu hút hơn 1.000 giáo viên, nhà giáo dục, lãnh đạo các sở ban ngành tới tham dự và mang đến nhiều giải pháp và ý tưởng để xây dựng mô hình giáo dục số tại Việt Nam.