Yêu cầu chấn chỉnh y đức để xây dựng BHYT toàn dân

(Dân trí) - Nâng tỷ lệ người mua bảo hiểm từ 70% dân số hiện nay lên 75% vào năm 2015, chấn chỉnh y đức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT là các chỉ tiêu quan trọng được đưa ra trong Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT.

Với 476/477 đại biểu có mặt tán thành (tương đương 95,58% tổng số đại biểu Quốc hội) chỉ có 1 người không tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT. Trong Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội tán thành báo cáo giám sát của UB Thường vụ với những nội dung cơ bản về kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012.

Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, ngành y tế, bảo hiểm xã hội, các cơ quan liên quan, địa phương và mọi người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đến cuối năm 2012, đã có gần 70% dân số tham gia BHYT; người có công, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người dân đang sinh sống ở vùng biển đảo đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ để tham gia BHYT.

Mạng lưới cơ sở y tế, bảo hiểm xã hội được tổ chức rộng khắp, người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhiều kỹ thuật y tế hiện đại và thuốc mới; quỹ BHYT đã đảm bảo cân đối và có kết dư.

“Những thành tựu này khẳng định chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với mục tiêu BHYT toàn dân” – Nghị quyết viết.
Yêu cầu chấn chỉnh y đức để xây dựng BHYT toàn dân
Chất lượng khám chữa bệnh, thái độ, y đức chưa cao được cho là nguyên nhân khiến BHYT chưa hấp dẫn người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như trên 30% dân số chưa tham gia BHYT, chất lượng KCB BHYT ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, chậm khắc phục tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên; chưa đẩy mạnh cải cách thủ tục trong quản lý BHYT và KCB.  Chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng trùng thẻ, lạm dụng quỹ BHYT. Quyền lợi của người có thẻ BHYT chưa được công khai, minh bạch; còn một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế vi phạm y đức, vi phạm pháp luật; việc tham gia của các địa phương trong mở rộng BHYT và quản lý quỹ còn hạn chế, một số địa phương còn bội chi quỹ BHYT; công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, nghiêm minh.

Quốc hội thống nhất giao Chính phủ chỉ tiêu bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT.

Trước đó, UB Thường vụ đề xuất chỉ tiêu 75% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 nhưng có đại biểu cho là chỉ tiêu 80% là thấp so với mốc 75% vào năm 2015  vì như vậy 5 năm chỉ tăng 5%. Có ý kiến đề nghị quy định năm 2015 đạt 80%, năm 2020 đạt 90% dân số tham gia BHYT… Tiếp thu ý kiến này, Nghị quyết được thông qua bổ sung cụm từ “ít nhất 80% dân số tham gia BHYT” vào năm 2020.

Các chỉ tiêu khác được Quốc hội quyết định là đến năm 2020 hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương. Hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở KCB sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB.

Trước năm 2018, Chính phủ phải hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội, thực hiện các biện pháp để đảm bảo thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương, triển khai mở rộng mô hình bác sỹ gia đình tham gia KCB BHYT, cải tiến quy định về chuyển tuyến phù hợp với tình trạng bệnh tật.

Cũng trước thời điểm này, Chín phủ phải hoàn thành việc liên thông hệ thống phần mềm công nghệ thông tin giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở KCB nhằm cải tiến thủ tục hành chính trong KCB, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng KCB; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về KCB và BHYT; tăng cường năng lực quản lý nhà nước và giám định BHYT; nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện BHYT.

Định kỳ 2 năm một lần, Chính phủ phải báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu này với Quốc hội.

Quốc hội cũng thống nhất yêu cầu HĐND, UBND các cấp đưa chỉ tiêu tham gia BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, triển khai các biện pháp để mọi người dân tham gia BHYT, mở rộng diện bao phủ BHYT, kiểm soát sử dụng quỹ BHYT và tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT tại địa phương.
 
P.Thảo