1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Y xã hội - Chỗ dựa cho bệnh nhân nghèo trong cơn nguy khốn

(Dân trí) - Như nhịp cầu yêu thương nối lòng từ bi của cộng đồng với những mảnh đời bất hạnh, Y xã hội âm thầm đứng sau các bác sĩ góp phần cứu sống hàng nghìn bệnh nhân trong cơn hoạn nạn. “Chúng tôi cố gắng không để bệnh nhân đầu hàng số phận chỉ vì nghèo”.

Nở nụ cười hiều hậu trong cái bắt tay chắc nịch, ông Lê Minh Hiển, Trưởng đơn vị Y xã hội, bệnh viện Chợ Rẫy, hồ hởi: “Vui quá anh bạn nhà báo ạ, đơn vị chúng tôi vừa được một bệnh nhân trong vụ sập nhịp cầu Cần Thơ ghé thăm”. Nói chưa dứt lời ông khoe món quà quê mang đầy cảm xúc vừa nhận được. “Đây là hai trái bưới đầu mùa trong khu vườn do chính bàn tay của người trở về từ cõi chết Dũng Em mang tới”.

Nhớ lại thảm cảnh đau thương khi sự cố sập nhịp cầu Cần Thơ xảy ra, ông Minh Hiển trầm tư: “Nạn nhân đầu tiên là Nguyễn Văn Dũng Em (SN: 1972) được chuyển đến Chợ Rẫy, trên người còn bê bết máu. Anh là công công nhân xây dựng cầu. Tai nạn khiến Dũng Em bị chấn thương cột sống, mất hoàn toàn cảm giác từ thắt lưng trở xuống, tưởng như anh sẽ bị liệt nửa người vĩnh viễn”.

Mỗi năm Y xã hội vận động gần 5 tỷ đồng giúp bệnh nhân nghèo
Mỗi năm Y xã hội vận động gần 5 tỷ đồng giúp bệnh nhân nghèo

“Trước sự đau đớn và tình cảnh nghèo khốn vợ dại con thơ của Dũng Em, chúng tôi đã tức tốc vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Ca phẫu thuật cho Dũng Em diễn ra thành công. Tôi còn nhớ như in hình ảnh ở khoa Săn sóc đặc biệt, dù cơn đau còn hành hạ nhưng bệnh nhân không thể dấu nổi vui mừng vì “chân em nhúc nhích được rồi”. Lúc đó, hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má cháy nắng của người đàn ông”.

Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối, rất đông bệnh nhân là người từ các tỉnh chuyển lên điều trị. Bệnh nặng, nhưng họ gặp nhiều khó khăn về kinh tế và hạn chế về trình độ. Để người nghèo không đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, tháng 10 năm 2008 đơn vị Y xã hội chính thức được thành lập. Không chỉ kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, Y xã hội còn “đấu tranh” với bộ phận giám định bảo hiểm để bệnh nhân được Bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng các điều khoản quy định.

Cuộc trò chuyện đang dang dở thì có tiếng gõ cửa phòng, người phụ nữ với gương mặt sầu thảm rụt rè bước vào. Bà là mẹ của bệnh nhân Trần Hữu Nhân (20 tuổi) bị tai nạn giao thông. Tính mạng của con đang nguy kịch nhưng gia cảnh khốn khó, dù đã cố gắng xoay xở nhưng người mẹ nghèo vẫn rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Tìm đến đơn vị Y xã hội, bà nuôi hy vọng vào chỗ cuối cùng có thể bấu víu để níu giữ sinh mạng cho đứa con trai.

Mỗi hoàn cảnh khốn khó đều được giúp đỡ tận tình bằng chính cái tâm
Mỗi hoàn cảnh khốn khó đều được giúp đỡ tận tình "bằng chính cái tâm"

Ngay lập tức, đơn xin giúp đỡ cho của bệnh nhân được cô Đỗ Thanh Lan, nhân viên của đơn vị tiếp nhận. ông Hiển cho biết: “Bằng các biện pháp nghiệp vụ, bệnh lý của bệnh nhân, hoàn cảnh gia đình sẽ được chúng tôi xác minh cụ thể, đồng thời lập kế hoạch trình Giám đốc bệnh viện sau đó kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Mọi hoàn cảnh được giúp, chúng tôi đều báo cáo cụ thể cho Ban Giám đốc bệnh viện và các mạnh thường quân. Nói bằng lời thì có phần dài dòng nhưng mọi chuyện đều được tiến hành nhanh chóng chỉ trong một vài ngày, bởi chúng ta có thể chờ nhau nhưng bệnh tật thì không chờ ai cả.”

Nhờ sự lòng nhiệt huyết “làm việc bằng chính cái tâm của mình” chỉ với một trưởng đơn vị và 3 nhân viên, sau hơn 4 năm hoạt động, Y xã hội đã làm được những điều tưởng như không thể.

Mỗi ngày đơn vị vận động được 3.500 suất cơm từ thiện cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại Chợ Rẫy. Trung bình mỗi năm, đơn vị vận động gần 5 tỷ đồng tiền mặt cùng hàng nghìn phần quà và các hiện vật giá trị khác từ các tập thể, cá nhân trong cộng đồng giúp đỡ cho hơn 1 nghìn bệnh nhân nghèo.

Ông Minh Hiển (bên phải) chuyển sự giúp đỡ của cộng đồng cho thân nhân người bệnh
Ông Minh Hiển (bên phải) chuyển sự giúp đỡ của cộng đồng cho thân nhân người bệnh

Ghi nhận những đóng góp trên cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người bệnh, liên tiếp trong 3 năm (từ 2009 đến 2011) đơn vị Y xã hội được Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Bằng khen “Tập thể lao động xuất sắc”. Ngày 24/12/2012 đơn vị vinh hạnh được Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen “Đã có thành tích trong công tác từ năm 2009 đến 2011, góp phần xây dựng Chủ nghĩa Xã hội bảo vệ Tổ quốc”. Cá nhân ông Lê Minh Hiển cũng vinh dự được Bộ trưởng trao tặng Bằng khen, ghi nhận những đóng góp cho ngành Y tế.

Ông Minh Hiển chia sẻ trong niềm vui lâng lâng: “Được nhận bằng khen cho đơn vị và của riêng cá nhân, với tôi đó là vinh dự lớn. Nhưng đây cũng là trách nhiệm đòi hỏi chúng tôi phải cố gắng để hôm nay làm tốt hơn hôm qua, cố gắng không để bệnh nhân nghèo nào không được giúp. Mỗi ngày chúng tôi đều chọn cho mình một niềm vui và niềm vui đó chính là được giúp sức cho sự đoàn tụ của các gia đình giữa cảnh khốn quẫn để con không mất cha, vợ không mất chồng.”

Vân Sơn