1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Y tế công còn nhiều bất cập

(Dân trí) - Quy mô xã hội hoá y tế còn chậm, không đồng đều giữa các vùng và mới chỉ tập trung tại thành phố đông dân. Đặc biệt tình trạng “chảy máu chất xám” từ y tế công sang y tế tư đang diễn ra ngày càng phổ biến.

Đó là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị Đánh giá việc triển khai Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá đối với lĩnh vực y tế vừa tổ chức sáng nay (18/12).

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế đã huy động các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền để phục vụ công tác khám chữa cho nhân dân.
 
Nhưng có một thực tế là nhiều địa phương đã quá lạm dụng các trang thiết bị đắt tiền này. Cụ thể là tăng cường các xét nghiệm, chẩn đoán… khiến chi phí khám chữa bệnh tăng lên, gây tốn kém cho người bệnh mà lại không mang lại hiệu quả thiết thực. Thêm vào đó, hiện chưa có sự phân hạng bệnh viện tư nhân, gây khó khăn cho việc chuyển tuyến và thực hiện khám chữa bệnh bằng BHYT.

Sau 2 năm triển khai thực hiện đẩy mạnh xã hội hoá y tế, nguồn vốn xã hội hoá được huy động lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ trung ương khoảng 1.000 tỷ đồng và địa phương là 1.200 tỷ đồng.

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, mục tiêu xã hội hoá y tế góp phần đưa chính sách thông thoáng để không chỉ thu hút sự phát triển của bệnh viện công lập mà còn cả bệnh viện tư nhân, bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài. Mục tiêu là nhằm tăng cường hệ thống cơ sở y tế ngày càng phát triển để mọi người dân đều được hưởng lợi từ các dịch vụ khám chữa bệnh.

Hiện cả nước có 30.000 cơ sở hành nghề y tế tư nhân, 66 bệnh viện tư đang hoạt động và 22 bệnh viện mới đang triển khai xây dựng. Mỗi năm, khu vực ngoài công lập này khám chữa bệnh cho 3 triệu người, xét nghiệm cho khoảng 2,5 triệu lượt người.

Hồng Hải