Ý nghĩa và thời điểm nên làm xét nghiệm men gan
(Dân trí) - Xét nghiệm men gan là thao tác sơ bộ ban đầu để đánh giá tình trạng chức năng gan.
Đây là xét nghiệm cần được làm khi tiến hành khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường của gan trong cơ thể.
Tìm hiểu chung về men gan
Gan là cơ quan có tác dụng chuyển hóa tất cả các chất khi nạp vào cơ thể. Có vai trò chính trong việc đào thải độc tố, do đó, cơ quan này còn được ví như một "nhà máy thải độc". Chức năng gan được đánh giá chính ở chỉ số men gan.
Men gan là tên gọi chung của các enzyme có trong gan như: AST, ALT, GGT,... Các enzyme có chức năng chính là hỗ trợ gan đào thải độc tố trong cơ thể, tổng hợp và chuyển hóa các chất như lipit, gluxit, protid,…
Trong quá trình chuyển hóa thức ăn thì gan là cơ quan đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tất cả các chất dinh dưỡng từ thức ăn khi nạp vào cơ thể đều được chuyển hóa qua gan, kể cả những chất độc hại, không tốt cho sức khỏe. Thông qua quá trình chuyển hóa, các chất này được lọc để chuyển hóa dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Còn các chất độc hại được đào thải ra bên ngoài.
Khi các chất độc hại dư thừa, gan phải làm việc quá tải thì sẽ tích tụ tại gan và làm ảnh hưởng đến gan đầu tiên. Tất cả các quá trình này đều phải được thực hiện dưới sự hỗ trợ của các enzyme trong gan. Men gan thông thường sẽ theo chỉ số nhất định. Khi gan có dấu hiệu bất ổn thì các enzyme sẽ được giải phóng và hòa vào trong máu khiến chỉ số men gan tăng lên ở một mức độ nào đó.
Xét nghiệm men gan có tác dụng gì?
Xét nghiệm men gan được thực hiện bằng cách trích một lượng máu nhất định trong cơ thể để định lượng nồng độ và các yếu tố liên quan khác. Kiểm tra men gan có tác dụng chính:
Đo chỉ số men gan
Xét nghiệm chỉ số men gan được thực hiện dựa trên việc phân tích định lượng máu, xác định chỉ số men gan ở một người để xem xét chức năng gan có gì bất thường hay không. Theo chỉ định chung, xét nghiệm này được dùng để đo 4 chỉ số:
- Chỉ số ALT: mức độ bình thường của chỉ số này là <= 37 UI/l.
- Chỉ số AST: giới hạn bình thường <= 40 UI/l.
- Chỉ số GGT: giới hạn bình thường là từ 5 đến <60 UI/l.
- Chỉ số ALP: chỉ số bình thường từ 35 - 115 UI/l.
Những chỉ số trên đây được đánh giá là mức độ cho phép và bình thường. Tuy nhiên ở một số trường hợp thì các chỉ số có thể thay đổi những không xác định là bất thường. Ví dụ: chỉ số ALT, AST có thể tăng gấp 2 đến 3 mức độ bình thường, còn chỉ số GGT cũng có thể tăng ở mức gấp 2 lần so với bình thường vẫn không làm ảnh hưởng gì đến sức khỏe và chức năng gan.
Các chỉ số này đều được đánh giá và xác định thông qua một xét nghiệm máu. Người bệnh được lấy máu trực tiếp để thực hiện cuộc xét nghiệm. Đây là xét nghiệm thông thường, kết quả sẽ có được chỉ sau khoảng 1 tiếng.
Xác định tình trạng bất thường của gan
Với những thông số như trên đây thì việc xét nghiệm men gan sẽ giúp các bác sĩ định lượng chỉ số men gan để xem gan có vấn đề gì hay không. Thông qua chỉ số men gan có thể biết được tình trạng của gan:
- Chỉ số men gan từ 40 - 80UI/L: men gan tăng nhẹ, người bệnh chưa có dấu hiệu gì bất thường bên ngoài, tuy nhiên xét nghiệm đã thấy sự gia tăng của nồng độ men gan trong máu.
- Chỉ số men gan từ 80 - 200 UI/L: chỉ số men gan tăng ở mức độ trung bình. Gan chưa có nhiều vấn đề nghiêm trọng nhưng người bệnh đã có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
- Chỉ số men gan tăng hơn 200 UI/L: đây là mức độ tăng cao của gam gan, cảnh báo những dấu hiệu bất thường về chức năng gan và bệnh lý nào đó.
Tìm ra nguyên nhân khiến men gan tăng cao
Thông thường, người bệnh chỉ làm xét nghiệm men gan khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Và qua kết quả xét nghiệm chỉ số men gan, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh, xác định tình trạng gây bệnh, làm suy giảm chức năng gan.
Nguyên nhân tăng men gan phổ biến nhất là do lạm dụng các loại thuốc tây y quá nhiều. Nhất là thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc kháng viêm,... Cùng với đó, kiểm tra men gan cũng có thể test nhanh được bệnh viêm gan A, B, C. Bởi với nhiều trường hợp, tăng men gan là do hoạt động của virus gây hại tế bào gan.
Khi nào nên đi kiểm tra men gan?
Một người bình thường nên duy trì kiểm tra sức khỏe 6 tháng một lần. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không có thói quen như vậy. Do điều kiện kinh tế không cho phép và không có nhiều thời gian dành cho việc quan tâm đến sức khỏe thông thường. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng nên làm xét nghiệm men gan khi gặp những trường hợp như sau:
Cơ thể có những biểu hiện bất thường
Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ, tiểu nhiều, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu, bụng chướng, tức bụng khó chịu, vàng da,... Tất cả những dấu hiệu này đều cảnh báo tình trạng bất thường về sức khỏe mà chúng ta không nên chủ quan. Xét nghiệm men gan sớm sẽ giúp phát hiện tình trạng tăng men gan ở những giai đoạn đầu, qua đó tăng tỷ lệ chữa trị.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh về gan
- Những người có bệnh lý về gan như viêm gan virus A, B, C đều có nguy cơ cao bị tăng men gan bất thường khi virus hoạt động.
- Những người nghiện rượu, bia, hút thuốc lá.
- Người có khả năng di truyền bệnh về gan do trong gia đình trước đó có người mắc bệnh gan.
- Người thừa cân, béo phì, tình trạng sức khỏe không ổn định, nhất là khi có biểu hiện về tiểu đường, cao huyết áp.
- Những người đang phải điều trị thuốc kháng sinh dài ngày.
Tốt nhất, mỗi người nên duy trì khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm 1 - 2 lần. Đồng thời làm xét nghiệm men gan thường xuyên khi đã có tiền sử men gan tăng cao hoặc nhận thấy những bất thường về sức khỏe. Đây là điều cần thiết và nên làm để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý bất thường về gan, bảo vệ chức năng gan.