Ý nghĩa của chỉ số CEA trong bệnh ung thư
(Dân trí) - Nồng độ CEA tăng kéo dài sau điều trị hoặc sau can thiệp phẫu thuật ung thư là dấu hiệu bệnh chưa được điều trị dứt điểm hoặc dấu hiệu tái phát.
Kháng nguyên ung thư biểu mô phôi (CEA), được mô tả lần đầu tiên bởi Gold và Freedman vào năm 1965, được chiết xuất từ khối u gan di căn từ ung thư đại tràng và từ đường tiêu hóa bình thường của thai nhi. Đây là một trong những kháng nguyên liên quan đến ung thư ở người được nghiên cứu rộng rãi nhất.
Việc đo lường CEA huyết thanh cho thấy hiệu quả đáng kể trong tiên lượng và quản lý những bệnh nhân mắc các bệnh lý ác tính, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Chuỗi các giá trị xét nghiệm CEA có thể được sử dụng để theo dõi tình trạng bệnh nhân ung thư sau điều trị: tiến triển, thuyên giảm hay tái phát.
Nồng độ CEA tăng kéo dài sau điều trị hoặc sau can thiệp phẫu thuật là dấu hiệu bệnh chưa được điều trị dứt điểm hoặc dấu hiệu bệnh tái phát. Trong khi đó, chuỗi nồng độ CEA giảm xuống mức bình thường cho thấy can thiệp điều trị thành công.
Nồng độ CEA cũng tăng trong huyết thanh những bệnh nhân không mắc các bệnh lý ác tính và những người nghiện thuốc lá nặng. Do đó, không nên sử dụng chỉ số CEA trong chẩn đoán ung thư hoặc trong sàng lọc các bệnh nhân không có triệu chứng.
Ý nghĩa lâm sàng của chỉ số CEA
- Xét nghiệm CEA có thể được chỉ định khi một người đã được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, dạ dày, phổi. CEA sẽ được định lượng trước khi bắt đầu điều trị và sau đó được xét nghiệm theo thời gian để đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng và phát hiện tái phát, di căn.
- Đôi khi xét nghiệm CEA có thể được thực hiện khi nghi ngờ ung thư nhưng chưa được chẩn đoán. Đây không phải là một xét nghiệm sử dụng chung cho các ung thư vì CEA có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, tuy nhiên nó vẫn có thể được chỉ định để có thể cung cấp thêm thông tin cho chẩn đoán tùy bệnh cảnh lâm sàng cụ thể.
- Xét nghiệm CEA dịch cơ thể có thể được chỉ định để phát hiện khối u đã xâm lấn hoặc di căn đến các khoang trong cơ thể (ví dụ di căn lan rộng đến khoang phúc mạc, màng phổi hoặc não).
Thực tế tại khoa Hóa sinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), bệnh nhân được chỉ định CEA chủ yếu từ phòng khám ung bướu khoảng 73%. Bệnh nhân làm xét nghiệm CEA có thể dùng với 3 mục tiêu khác nhau là sàng lọc ung thư, theo dõi hiệu quả điều trị và theo dõi di căn tái phát. Trong 3 mục tiêu thì mục tiêu theo dõi di căn tái phát chiếm tỷ lệ cao nhất, theo dõi kết quả điều trị xếp thấp nhất.
Dấu ấn ung thư CEA
- Giới hạn bình thường: 0-10 ng/ml.
- CEA là một thành phần của màng nhầy đại trực tràng.
- Tăng trong ung thư đường tiêu hoá như: ung thư thực quản, dạ dày, gan, tụy, đại trực tràng, vú, buồng trứng, cổ tử cung, tuyến giáp.
- Có thể tăng không nhiều trong polyp đại tràng, viêm ruột non, viêm tuỵ, suy thận mạn.
Giá trị của xét nghiệm CEA là định hướng chẩn đoán và theo dõi điều trị. CEA tăng không đồng nghĩa là bệnh nhân bị ung thư. Ngược lại CEA bình thường cũng không loại trừ khả năng bị ung thư vì có tới 30-50% các bệnh nhân ung thư dạ dày, ruột, vú, phổi, tuyến tuỵ... nhưng nồng độ CEA vẫn không cao.
Hà An