Xuất hiện hai "người cây" ở Việt Nam

(Dân trí) - Những nốt mụn cóc phát triển chai sần, nứt nẻ với lớp sừng mỗi ngày dày thêm khiến hai bàn tay, bàn chân của bệnh nhân sần sùi như rễ cây.

Ông Nguyễn Văn S. (48 tuổi, ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) được phát hiện mắc bệnh "người cây" từ gần 10 năm trước.

Người nhà bệnh nhân S. cho biết, từ khi lên 10 tuổi, bàn chân, bàn tay ông S. bắt đầu có những dấu hiệu khác lạ.

Xuất hiện hai người cây ở Việt Nam - 1

Hai lòng bàn tay, chân của bệnh nhân sần sùi, thô ráp như rễ cây.

Đầu tiên chỉ là những mụn cóc mềm, nhưng sau đó càng lúc càng cứng đơ, rồi trở nên xù xì. Hết lớp mụn cóc nọ đến lớp mụn cóc kia mọc lên, ngày càng lan rộng khắp hai bàn tay, bàn chân bệnh nhân. Cả bàn tay, bàn chân người bệnh sần sùi, nứt nẻ như rễ cây, đến lúc già thì "rụng" đi khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.

Bệnh nhân không thể tự cầm nắm, đi lại, được chẩn đoán mắc bệnh "người cây"

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, "người cây" là bệnh lý vô cùng hiếm gặp. Tuy nhiên, năm 2006, trước anh S. đã có bệnh nhân đến BV Da liễu Trung ương khám và điều trị vì căn bệnh này. Đó là một nam thanh niên ngoài 20 tuổi, đến bệnh viện khám với những mụn cóc chi chít ở lòng bàn tay, bàn chân.

Bệnh "người cây" còn được gọi là tree man - Epidermodysplasia verruciformis. Bệnh lý "người cây" là căn bệnh rối loạn da hiếm gặp và có yếu tố di truyền. 

Theo bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương,  bệnh này "người cây" được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1920. Nguyên nhân căn bệnh được tìm ra là do loại vi rút HPV (Human Papillomavirus), có khả năng làm hạn chế hệ miễn dịch ở cơ thể người.

Bác sĩ Hiền cho biết, virus HPV có đến hơn 30 tuýp gây biểu hiện lâm sàng trên da, nhưng có những tuýp có nguy cơ gây bệnh và làm hạn chế hệ miễn dịch ở cơ thể người.

Xuất hiện hai người cây ở Việt Nam - 2

Virus HPV làm hạn chế miễn dịch ở người, đồng thời tạo ra các tổn thương giống như mụn cóc. Lúc đầu tổn thương chỉ như dạng hạt cơm nhưng dần trở nên cứng, xuất hiện vảy sừng, lớp nọ mọc chèn lên lớp kia khiến vùng da sần sùi, thô ráp như vỏ cây.

Những tổn thương này khiến người bệnh vô cùng đau đớn. Không chỉ đau đớn, với tổn thương này bệnh nhân có nguy cơ dẫn đến ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào gai.

BS Hiền cho biết, trên thế giới chưa có thống kê về tỉ lệ mắc căn bệnh này nhưng theo báo cáo năm 2017 cho thấy "người cây" là căn bệnh cực kỳ hiếm gặp với khoảng 500 ca bệnh trên toàn thế giới.

Đến nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu căn bệnh này mà chỉ có thể điều trị triệu chứng.

Theo đó, với những lớp mụn cóc dày sừng, sần sùi như dễ cây, bệnh nhân có thể được đốt điện, laser, phẫu thuật... Tuy nhiên, đây chỉ là điều trị triệu chứng, các nốt mụn cóc mới sẽ nhanh chóng hình thành, xếp lớp, dày sừng như cũ.

Vì thế, bệnh nhân bên cạnh điều trị còn được chỉ định sử dụng một số thuốc bôi tại chỗ để giảm hiện tượng sừng hoá. Tuy nhiên đến nay hiệu quả đánh giá vẫn rất thấp.

Hồng Hải