Xử phạt hàng trăm triệu vi phạm môi trường không khói thuốc
(Dân trí) - Bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, trong thời gian qua đã xử phạt hàng trăm triệu đồng các nhà hàng, khách sạn vi phạm môi trường không khói thuốc lá.
Ngày 15/11, tại lễ phát động cuộc thi phóng sự truyền hình phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức, bà Hải cho biết trong những năm qua, nhờ các hoạt động tích cực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, tỉ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam đã dần giảm xuống.
Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá ở học sinh 13 – 15 tuổi giảm 1%. Tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới giảm 6,5%. Cùng với giảm tỉ lệ hút thuốc lá, tỉ lệ phơi nhiễm khói thuốc giảm rõ rệt . So sánh kết quả năm 2015 với năm 2010, tỉ lệ phơi nhiễm khói thuốc tại nơi làm việc đã giảm 13,3%; tại trường đại học cao đẳng giảm 16,4% và tỉ lệ tiếp xúc thụ động khói thuốc giảm xuống 15% tại các điểm giao thông công cộng.
“Đây là những kết quả rất cụ thể, mang lại ý nghĩa rất lớn bởi khi giảm được tỉ lệ hút thuốc sẽ giảm được tỉ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá”, bà Hải nói.
Bà Hải cho biết thêm, trong năm 2017 cũng đã kiểm tra được nhiều cơ quan, tổ chức, địa điểm công cộng, hơn 200 nhà hàng khách sạn và xử phạt được hàng trăm triệu đồng các vi phạm liên quan đến môi trường không khói thuốc.
Theo bà Hải, có được thành quả này là có sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể, cộng đồng và sự tuyên truyền tích cực của báo chí.
Tuy nhiên hiện vẫn có những khó khăn nhất định làm ảnh hưởng đến các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. “Thuốc lá vốn là chất gây nghiện nhưng lại được bày bán khắp nơi, dễ tiếp cận. Giá thuốc lá Việt Nam rẻ gần nhất thế giới, nên việc tiếp cận để hút dễ dàng”, bà Hải nhận định.
Theo đó tại Việt Nam, giá trung bình 1 bao thuốc 20 điếu là 11,8 nghìn đồng. Trong khi đó tại Singapore là 192 nghìn đồng, tại Philippin là 32 nghìn đồng và tại Malaysia là 74 nghìn đồng/bao thuốc.
“Đây là khó khăn lớn nhất trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc. Bởi dù có chuyển biến tích cực trong nhận thức, nhưng tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới vẫn cao. Trong đó, việc tăng thuế chưa đủ để tăng giá thuốc khiến việc tiếp cận dễ dàng hơn. Trong khi đó tăng giá thuốc là biện pháp quan trọng để giảm sử dụng thuốc lá. Nếu không rất khó đạt giảm tỉ lệ hút thuốc lá xuống 39% vào năm 2020”, bà Hải nói.
Vì thế, đại diện Bộ Y tế bày tỏ mong muốn các nhà hoạch định chính sách quan tâm tăng thuế thuốc lá. “Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, vừa đạt mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc, giảm tử vong do thuốc lá vừa tăng nguồn thu thế cho nhà nước. So sánh tại Thái Lan, họ chỉ tiêu thụ khoảng 2 -3 tỷ bao thuốc mỗi năm nhưng mức thu thuế 2 tỷ USD. Trong khi đó Việt Nam tiêu thụ khoảng 4 tỷ bao nguồn thuế thu được chỉ khoảng 700 triệu USD”, bà Hải phân tích.
Bà Hải cũng bày tỏ mong muốn các tác giả sẽ tập trung chuyển tải nhiều nội dung phong phú để tác động tới cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức giúp người dân từ bỏ thuốc lá.
Tại lễ phát động, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ thông tin truyền thông cho biết, với kinh nghiệm tổ chức cuộc thi viết về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016 cho cả 4 thể loại: báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình, Ban Tổ chức cuộc thi nhận thấy rằng mỗi thể loại báo chí đều có những đặc điểm và thế mạnh khác nhau.
Cuộc thi về nội dung này năm 2017, ban Tổ chức đã lựa chọn báo hình với thể loại phóng sự truyền hình, nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá qua các phóng sự truyền hình.
Tác phẩm dự thi là các phóng sự truyền hình được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt hoặc có phụ đề tiếng Việt, được phát sóng trên các kênh truyền hình đã được cấp phép từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2017, nội dung phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề liên quan đến tác hại của thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được thực hiện trong năm 2017.
Hồng Hải