Xử lý như thế nào khi trẻ sốt cao, co giật trong ngày Tết?

(Dân trí) - Ngày Tết, đi lại nhiều, thay đổi nhịp sinh hoạt trẻ em rất dễ ốm. Không may bị sốt cao, thậm chí dẫn đến co giật, các mẹ nên xử lý như thế nào trong ngày Tết?

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, ông từng chứng kiến cảnh bố mẹ bệnh nhân đi chân đất, ôm con nhảy taxi vào viện khi bé đang ti thì bỗng nhiên lên cơn co giật vì sốt cao.

Nhiều bố mẹ lo lắng đến mất bình tĩnh khi trẻ co giật, sốt cao dẫn đến xử lý sai.
Nhiều bố mẹ lo lắng đến mất bình tĩnh khi trẻ co giật, sốt cao dẫn đến xử lý sai.

Đến viện, sau khi đã bình tâm lại, người mẹ còn kể, khi thấy con co giật, chỉ kịp bế thốc con lên, hét chồng ôm con chạy ra thang máy để đi viện. Bà nội vội pha gói thuốc chạy theo, trong lúc đợi thang máy còn cố đổ thuốc vào miệng con, dù con đang co giật.

“Đó là những cách xử lý vô cùng mất bình tĩnh của đại đa số mọi người khi thấy trẻ bị co giật, tím tái mặt mày, cảm giác trong vài giây trẻ không thở được nên hoảng hồn, chỉ muốn ôm trẻ chạy thật nhanh đến bệnh viện”, PGS Dũng nói. Dưới đây là những lời khuyên của PGS Dũng cách ứng xử tốt nhất khi trẻ bị sốt, thậm chí sốt cao, co giật.

Không nên sợ sốt

Không ai muốn bị sốt, nhưng khi trẻ bị nhiễm vi rút, vi khuẩn, sốt lúc này là phản ứng tốt của cơ thể, cho thấy cơ thể đang chống đỡ lại với tác nhân gây bệnh.

Đa phần,sốt không ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ. Nếu sau hạ sốt trẻ chạy nhảy, chơi đùa bình thường… phần lớn trẻ hết sốt tự nhiên, bệnh cũng lui. Hãy theo dõi trẻ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol từ 10 – 15mg/kg cân nặng, 4 – 6 tiếng một lần.

Không lạm dụng thuốc động kinh

Tuy nhiên, cũng có trường hợp các bé sốt cao sẽ khó chịu, khô mồm, bứt rứt... thậm chí có thể gây co giật làm cho bố mẹ hoang mang lo sợ. Thậm chí, nhiều bố mẹ còn xin bác sĩ kê thuốc động kinh, thuốc an thần để phòng việc khi trẻ sốt cao, cho trẻ uống để không bị co giật.

Trước đây, người ta lo ngại tình trạng sốt co giật có thể gây hại não của trẻ. Tuy nhiên, qua theo dõi lâu dài cho thấy việc co giật đó không ảnh hưởng đến não bộ của trẻ em. Do đó, bác sĩ thần kinh và nhi khoa trên toàn thế giới khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc động kinh.

Tuy vậy, hãy theo dõi cơn sốt của trẻ để hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ để tránh bị co giật, gây hoảng sợ cho bố mẹ và cả trẻ nhỏ.

Uống thêm oresol để hạ sốt

Khi bị sốt vi rút, trẻ bị tái sốt rất nhanh, thậm chí 2 – 3 tiếng sau uống thuốc đã sốt lên đùng đùng (39 – 40 độ) nên việc chờ đến thời gian khuyến cáo an toàn 4 – 6 tiếng mới được uống hạ sốt là vô cùng căng thẳng với các bà mẹ. Hãy cho trẻ uống oresol thay nước lọc, nó sẽ hỗ trợ giảm sốt rất tốt. Nên cho trẻ uống từ khi bắt đầu uống thuốc, không đợi khi có dấu hiệu sốt lại rồi mới vội vàng ép uống cả cốc một, nhiều khi sẽ gây nôn cho trẻ.

Mùa đông cũng khó chườm hạ sốt hơn, việc uống nhiều nước, nhiều oresol cực kỳ quan trọng trong việc kéo dài thời gian sốt lại.

Xử lý khi co giật

Khi trẻ lên cơn co giật vì sốt cao, bố mẹ cần bình tĩnh cho trẻ nằm nghiêng, không vuốt liên tục lên ngực em bé.

Trước đây nhiều người cho rằng khi trẻ bị giật thì răng dễ cán vào luõi, gây chảy máu, nguy hiểm nên cần đặt vật cứng ngang miệng trẻ. Tuy nhiên qua theo dõi cấp cứu nhi khoa, cho thấy không nên làm thế. Sau khi hết cơn co giật đó thì hãy cho trẻ uống liều thuốc hạ sốt, cho khăn tay mòng vào giữa hai hàm răng của trẻ để tránh cơn co giật sau rồi đưa trẻ đến bệnh viện. Tuyệt đối không cho trẻ uống khi đang co giật vì có thể gây sặc cho trẻ.

Đối với trương hợp trẻ uống thuốc hạ sốt mà không xuống là có thể trẻ bị bệnh khác, do đó cần đưa trẻ đến BV ngay để được thăm khám, tìm bệnh. Bên cạnh đó, cho trẻ uống hạ sốt cần tránh bọc cháu kín quá, nên để trẻ mặc đồ thông thoáng.

Hồng Hải