Nghệ An:

“Xông đất” bệnh viện đầu năm

(Dân Trí) - Sáng ngày 5 Tết, đứa con 3 tháng tuổi ho sằng sặc, mũi chảy nước và khóc liên tục không thôi. Vợ tôi lo lắng bảo: “Anh làm sao thì làm, sáng nay tranh thủ mang con đi khám bệnh xem sao!”.

Tôi chủ quan bảo: “Gì mà phải khám. Đầu năm, người người nhà nhà đang đón Tết, bệnh viện có ai làm việc lúc này!”. Vợ tôi hét toáng lên và "tuôn ra một bản nhạc". Miễn cưỡng, tôi thủng thỉnh nổ máy chở vợ và con đến Bệnh viện Nhi Nghệ An trong lúc trời mưa xối xả…

 

Trước cổng bệnh viện Nhi Nghệ An, người ra vào tấp nập. Vợ tôi nhéo tai: “Anh thấy chưa nào. Bệnh viện vẫn làm việc, bệnh nhân vẫn đầy ra đó. Nhanh lên, gửi xe rồi cầm đồ vào cho em để làm thủ tục khám cho con!”. Tôi gửi xe và cùng vợ đi vào phòng làm thủ tục.

 

Khung cảnh chen chúc, mất trật tự diễn ra ngay ở phòng làm thủ tục nhập viện. Trong đám đông, một chị trung tuổi vừa bồng con vừa cầm tờ giấy khai sinh yếu ớt với tới lỗ vuông nhỏ. Một bác sỹ ở trong khung nói vọng ra: “Này chị kia, bệnh cháu có nặng không? Nếu mà chưa nặng lắm thì hôm sau đưa đến khám. Chứ bây giờ có khám thì cũng chẳng có thuốc đâu”.

 

Chị kia khóc mếu: “Nếu con không bị bệnh thì làm gì phải mang đi khám. Mà đã mang đến đây là phải nặng lắm rồi chứ cô. Tôi ở mãi huyện Tân Kỳ (Cách TP Vinh hơn 80 cây số - PV) mang con đến, chờ từ lúc sáng đây cô ạ”. Mẹ khóc, con khóc, làm không khí huyên náo cả lên. Mọi người xì xào to nhỏ với nhau: “Chắc lẽ phải lót tay 50 ngàn thì mới nhanh được bà con ạ!”.

 

Tôi lấy người “đè thịt” chen vào trong đám đông và chìa tờ giấy khai sinh cho bác sỹ. Không cần nhìn mặt, bác sỹ bảo: “Tên gì? Ở đâu? Cháu bao nhiêu tuổi?”. Tôi nhẹ nhàng: “Dạ thưa bác sỹ, cháu 3 tháng tuổi, ở Hưng Lộc (TP Vinh) ạ!”. Bác sỹ nghếch mặt lên nhìn và bảo: "20 ngàn, đưa đây!". Tôi rút ví đưa tờ 20 ngàn xanh lè và lấy tờ phiếu đưa vào phòng khám. "Chiến lược" đánh nhanh rút gọn của mình xem như đã có hiệu quả. Mà cũng đúng vậy thôi, chỉ có thế mới nhanh được, chứ chờ như mấy anh chị kia thì chết.

 

Phòng 108 cực kỳ đông đúc, hơn 30 bà mẹ bồng con đi đi lại lại chờ được gọi vào phòng khám. Trong phòng chỉ có 1 bác sỹ và một nhân viên nhưng lạ là họ vừa làm vừa trò chuyện, đủng đỉnh như không có việc gì để làm. Chờ hơn 2 tiếng đồng hồ, vợ tôi rỉ tai nói nhỏ: “Anh xem lấy tiền trong ví em để làm "thủ tục" đi. Có như vậy mới nhanh đến lượt mình đó!”. Con tôi khóc, con nhiều người xung quanh khóc, những tiếng khóc làm sốt ruột sốt gan các bậc làm cha làm mẹ. Tôi đang định đứng dậy để ""thực hiện nhiệm vụ vợ giao" thì một y tá đứng ngay trước cửa: “Các mẹ nghe đây! Hôm nay, bệnh nhân đông, các chị bồng con về, mai đến khám!”.

 

Các mẹ nháo nhào lên, chen lấn, xô đẩy, tay cầm phiếu khám bệnh cầu cứu bác sỹ nhưng cánh cửa kia vẫn đóng kín. Mọi người nhìn nhau ngán ngẩm không biết làm sao, tôi nhìn đồng hồ, lúc đó là 10h14 phút.

 

Không thể để con mình khóc trên tay vợ, tôi quyết tâm thực hiện phương án hai tiếp tục lấy “thịt đè người”, xô vào trong đám đông, mở cửa bước vào phòng khám. Miệng nói, tay đưa tờ phiếu cho bác sỹ đeo phù hiệu mang tên Thu: “Nhờ bác sỹ giúp cho em một tý, cháu nó khóc dữ quá. Bác rủ lòng thương khám hộ cho cháu xem sao!”. Thấy tôi nhiệt tình cầu khẩn, bác sỹ Thu tặc lưỡi gọi con tôi vào. Tôi thở dài hớn hở gọi vợ đưa con vào phòng khám.

 

Bác sỹ chẩn đoán con tôi viêm phổi và đề nghị làm thủ tục nhập viện. Sau một hồi làm các thủ tục cần thiết, một y tá chỉ dẫn lên gác 3. Con khóc, vợ khóc theo, còn tôi chạy nháo nhào tìm bác sỹ, nhìn hết phòng này sang phòng khác chẳng thấy ai. Thấy tôi là "lính mới", anh Thương người ở huyện Nghi Lộc nói nhỏ: “Có một bác sỹ đang tiêm đầu kia, chú đến hỏi xem thế nào”. “Tôi vừa dúi cho cô y tá đó mấy chục ngàn, con tôi mới có chỗ để nằm đó anh”, anh Lương ở Nam Đàn nói với tôi. Tôi cảm ơn các anh và tới gặp bác sỹ.

 

“Chú chờ đó. Bệnh nhân đang đông. Khi nào xong việc chúng tôi sẽ bố trí gường nằm cho con anh”, bác sỹ gắt lên. Tôi hỏi: “Dạ thưa bác sỹ, nhiều phòng đang trống, nhờ bác mở hộ để em cho mẹ con nó vào chờ. Nếu có cái phòng "vip" xin bác sỹ chỉ cho. Cháu đang khóc, chắc nó đang lạnh lắm ạ”! Nghếch mắt nhìn tôi: “Chú tưởng bệnh viện cũng giống khách sạn hả!”. Nói xong, bác sỹ quay ngoắt 180o và đi thẳng.

 

Anh Hùng, một người cùng cảnh ngộ như tôi đã đứng đó hơn 2 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa có giường nằm cho con. Anh bảo: “Chú đừng gắt, nhẹ nhàng thôi, nếu "dây vô" là không xong đâu. Không cẩn thận, lát nữa, họ tiêm con mình đau hơn đó!”.

 

Khi ngồi viết bài này, tôi nghĩ không biết diễn tả sao đây để cho bạn đọc hiểu được những cách làm, cách triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ ở bệnh viện Nhi Nghệ An khi mà mới có một lúc buổi sáng mà đã xảy ra nhiều chuyện để nói, để viết.

 

Năm 2007, Sở y tế Nghệ An chỉ đạo cho các bệnh viện trên địa bàn thực hiện đề án "nâng cao y đức" do UBND tỉnh phát động. Hai chữ "y đức" tưởng chừng như đơn giản, dễ hiểu và không có gì là không thực hiện được. Nếu như mỗi cán bộ, y bác sỹ ở bệnh viện không thực sự tâm huyết say mê nghề nghiệp còn Ban giám đốc đơn vị lại thờ ơ, không coi trọng thì việc nâng cao y đức là việc làm vô cùng khó khăn.

 

Là bệnh viện Nhi của tỉnh, có được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ về mọi mặt của các cấp các ngành. Hàng năm được đầu tư, nâng cấp toàn diện. Vậy nhưng, Ban giám đốc bệnh viện lại bỏ quên một việc làm đơn giản đó là việc cải tiến, đổi mới, sắp xếp, bố trí cách làm việc. Đặc biệt là các thao tác, cách triển khai công việc, thái độ phục vụ và tiếp xúc, đối xử với người bệnh.

 

Thiết nghĩ, Ban giám đốc bệnh viện Nhi Nghệ An xem lại cách làm việc hiện nay, nhất là khâu đón tiếp bệnh nhân, thái độ phục vụ. Xin hãy nhớ rằng, để thực hiện tốt một nhiệm vụ, điều quan trọng là phải bắt đầu từ "cửa ngõ", rồi đến quy trình khám chữa bệnh khép kín và để bệnh viện phát triển, được nhiều bệnh nhân gửi gắm niềm tin thì rất cần thiết lúc này đó là tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh!

 

Trung Anh