Xét nghiệm PCR lần 3 mới dương tính SARS-CoV-2: Chuyên gia nói gì?
(Dân trí) - Theo phân tích của Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, sai sót trong kỹ thuật hoặc tải lượng virus của mẫu bệnh phẩm có thể là nguyên nhân.
Vừa qua, nước ta ghi nhận không ít trường hợp phải sau nhiều lần lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mới cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Điển hình là bệnh nhân Covid-19 số 821 tại Hà Nội (nhân viên giao pizza), phải đến lần xét nghiệm RT-PCR thứ ba mới cho kết quả dương tính. Bên cạnh đó, còn có các bệnh nhân số 870, 875.
Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sai sót trong kỹ thuật hoặc tải lượng virus trong mẫu bệnh phẩm có thể là nguyên nhân.
Sai sót trong kỹ thuật lấy, xét nghiệm mẫu
Nguyên nhân đầu tiên được Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề cập đến là sai sót trong kỹ thuật.
Theo đó, sai sót này có thể xảy ra trong bất kỳ khâu nào của quá trình xét nghiệm, từ lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, tách chiết, trộn cho đến phân tích mẫu.
Tuy nhiên, theo ông, kỹ thuật viên trong các phòng thí nghiệm thường đã thành thạo công tác làm xét nghiệm. Do đó, các khâu xử lý mẫu bệnh phẩm và phân tích mẫu để cho ra kết quả thường rất hiếm khi có sai sót.
“Tôi muốn nhấn mạnh đến khâu lấy mẫu bệnh phẩm. Nếu thao tác lấy mẫu không tốt thì kỹ thuật xét nghiệm hiện đại bao nhiêu cũng không thể cho ra kết quả chuẩn xác” – PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khẳng định.
Các sai sót trong kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm có thể đến từ việc lấy không đúng vị trí, không đúng về chất lượng mẫu. Bên canh đó, khâu bảo quản, vận chuyển mẫu đến phòng thí nghiệm nếu có vấn đề thì cũng có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm RT-PCR.
“Nếu kỹ thuật không được đảm bảo dẫn đến kết quả âm tính giả thì thực sự rất nguy hiểm, bởi người bệnh đã mang trong mình virus mà lại không phát hiện được, từ đó không thể kịp thời cách ly, khoanh vùng để khống chế dịch” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Tải lượng virus trong thời điểm lấy mẫu quá thấp
Trong trường hợp các kỹ thuật xét nghiệm đều được thực hiện chuẩn, tất cả các lần cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 đều là âm tính thật, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung rất có thể nguyên nhân đến từ tải lượng virus trong mẫu bệnh phẩm chưa đạt đến giới hạn phát hiện của phương pháp.
Cụ thể, theo phân tích của chuyên gia này, khi lấy dịch hầu họng của bệnh nhân vào thời điểm virus SARS-CoV-2 trong cơ thể họ vẫn chưa kịp nhân lên đến một ngưỡng nhất định (thường là vào giai đoạn đầu của bệnh), thì kết quả xét nghiệm RT-PCR lúc đó vẫn có thể âm tính.
“Càng về sau, virus SARS-CoV-2 càng nhân lên thì chúng ta mới có thể phát hiện được virus bằng phương pháp RT-PCR” – PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Hiện tại, để đảm bảo kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 chính xác nhất, có thể thực hiện so sánh kết quả xét nghiệm độc lập giữa các phòng thí nghiệm khác nhau.
Bên cạnh đó, có thể đối chiếu giữa lâm sàng và kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp giữa kết quả xét nghiệm và thực tế lâm sàng của bệnh nhân có sự mâu thuẫn thì có thể làm lại xét nghiệm để kiểm chứng.
Xét nghiệm RT-PCR có bản chất là xét nghiệm kháng nguyên, tìm kiếm sự hiện diện của các thành phần cấu tạo của virus trong cơ thể. Phương pháp này cho phép phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 từ rất sớm, ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng lâm sàng, với độ đặc hiệu và độ chính xác cao. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhân tố khách quan và chủ quan có thể ảnh hưởng kết quả của xét nghiệm này.