Xét nghiệm gen có phát hiện được ung thư không?

Tú Anh

(Dân trí) - Tôi nghe nói hiện nay xét nghiệm gen cũng có thể phát hiện ung thư. Tại Việt Nam đã ứng dụng phương pháp này chưa?

Ngoài ra, có thể xét nghiệm máu sàng lọc ung thư hay các phương pháp nào không, thưa bác sĩ? (Minh Thư, Hà Nội).

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) trả lời:

Về xét nghiệm gen phát hiện ung thư, hiện ở một số nước đang nghiên cứu xét nghiệm nồng độ DNA tự do lưu hành trong máu người bệnh. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại mới nghiên cứu, chưa có khuyến cáo rõ ràng về xét nghiệm này.

Xét nghiệm gen có phát hiện được ung thư không? - 1

Bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) tư vấn cho người dân đến khám sàng lọc ung thư.

Còn về xét nghiệm chất chỉ điểm khối u không đặc hiệu trong sàng lọc bệnh ung thư. Nhiều người khi đi xét nghiệm sàng lọc, chỉ số tăng lên thì mất ăn mất ngủ, lo tá hỏa đi khám lại khắp nơi. Nhưng các chỉ số này tăng có thể do đang viêm, do một số bệnh lành tính... 

"Đây là phương pháp để theo dõi điều trị ung thư. Ví dụ, một bệnh nhân đang điều trị ung thư cổ tử cung, chỉ số ung thư này trong máu đã giảm xuống qua quá trình theo dõi, bỗng nhiên mấy tháng sau khám lại, xét nghiệm chỉ số này lại tăng lên, cho thấy căn bệnh đó là tái phát, di căn", PGS Phương nói.

Vì thế, xét nghiệm máu không phải là phương pháp sàng lọc bệnh ung thư. Có 2 loại ung thư là ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm chất chỉ điểm này khá có ý nghĩa, nhưng cũng chỉ áp dụng với đối tượng nguy cơ cao, chứ không phải toàn dân.

Mỗi loại ung thư lại có các phương pháp sàng lọc, phát hiện sớm khác nhau. Ví như với ung thư vú, việc khám lâm sàng, chụp X-quang vú có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện khối u; Với ung thư dạ dày, đại trực tràng thì có phương pháp nội soi, xét nghiệm máu trong phân...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm