Xem bác sĩ dùng laser "hóa hơi" tuyến tiền liệt cụ ông 90 tuổi
(Dân trí) - Ca phẫu thuật giải cứu người đàn ông nhiều năm liền tiểu khó vì phì đại tuyến tiền liệt.
8h30 ngày 5/8, BSCKII Nguyễn Hồng Long, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Hữu Nghị cùng ê-kíp chuẩn bị những bước cuối cùng cho ca phẫu thuật nội soi bốc hơi bằng laser, điều trị u phì đại tuyến tiền liệt.
Bệnh nhân là người đàn ông hơn 90 tuổi, thể trạng yếu, nhiều bệnh phối hợp như: tai biến mạch máu não, hẹp mạch vành, hẹp mạch cảnh đang dùng thuốc chống đông, tăng huyết áp…
Ca mổ được thực hiện thành công sẽ "giải cứu" cho cụ ông nhiều năm bị tiểu khó cùng hàng loạt các vấn đề do căn bệnh này gây ra.
Bệnh nhân được thực hiện các bước chuẩn bị mổ, đặt các đường truyền dịch sau đó kết nối hệ thống máy móc để theo dõi các chỉ số sinh tồn xuyên suốt ca mổ.
"Laser bốc hơi tuyến tiền liệt là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, an toàn nhất để điều trị tình trạng này. Bệnh nhân hầu như không chảy máu, không đau, không có vết mổ và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ.
Trước đây, với phương pháp cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt truyền thống gần như không thể phẫu thuật cho những bệnh nhân già yếu như thế này", BS Long chia sẻ.
9h10, bác sĩ xuyên mũi kim vào giữa hai đốt sống vừa được sát trùng của bệnh nhân. Sau khi lượng thuốc gây tê phù hợp được đưa vào khoang dưới nhện của tủy sống, bệnh nhân nhanh chóng mất đi cảm giác nửa thân dưới.
Bệnh nhân được đặt theo tư thế mổ và vệ sinh vùng mổ, trải toan. Trong lúc này, các y bác sĩ khác cũng kiểm tra lại một lần nữa các dụng cụ, đảm bảo ca phẫu thuật được diễn ra suôn sẻ.
9h20, mọi thứ đã sẵn sàng, BS Long đưa Sheath vào niệu đạo mở ra con đường tiếp cận tuyến tiền liệt. Toàn bộ các bước can thiệp tiếp theo sẽ được thực hiện thông qua "cánh cổng" tí hon này.
Ống nội soi qua Sheath từ từ tiến vào bên trong. Trên màn hình dần hiện ra hình ảnh bên trong niệu đạo, bàng quang và tuyến tiền liệt.
BS Long quan sát kỹ hình ảnh được gửi về từ camera nội soi, để đánh giá các tổn thương mà bệnh nhân gặp phải. "U phì đại tuyến tiền liệt gây đái khó kéo dài đã khiến thành bàng quang hình thành các gờ, cột, túi thừa nhỏ. Tình trạng cho thấy bệnh nhân bị tăng trương lực phải rất gắng sức khi đi tiểu", BS Long phân tích tình hình.
Xuyên suốt ca phẫu thuật, dung dịch NaCl 0,9% đẳng trương liên tục được bơm vào phẫu trường sau đó thoát ra ngoài. Điều này giúp tránh được nguy cơ ngộ độc nước, an toàn hơn nhiều so với dùng dung dịch Sorbitol trong mổ nội soi truyền thống.
Đầu laser được đưa vào bên trong bàng quang của bệnh nhân, tiếp cận vị trí tuyến tiền liệt bị phì đại.
Sau khi kích hoạt, tia laser lấy đi mô tuyến bằng cách bay hơi hoại tử đông. Việc này cho phép vừa lấy đi tổ chức mô tuyến vừa cầm máu rất tốt, hạn chế việc bộc lộ các xoang mạch giúp hạn chế hiện tượng hấp thu dịch rửa. Đồng thời phương pháp phẫu thuật này không dùng dao điện nên không gặp các nguy cơ biến chứng do dòng điện gây ra.
Qua màn hình có thể quan sát thấy mô tuyến tiền liệt tiếp xúc với tia laser bị gọt dần và hóa hơi ngay lập tức, hoàn toàn không gây chảy máu.
Quá trình hóa hơi tuyến tiền liệt đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải phối hợp cùng lúc nhiều giác quan để thực hiện các thao tác có độ chính xác đặc biệt cao: Tay trái điều khiển ống nội soi, tay phải điều khiển đầu laser, mắt tập trung quan sát mọi diễn biến trên màn hình.
"Bệnh nhân tuổi cao, thể trạng rất yếu, nhiều bệnh nền phối hợp. Bên cạnh đó, người đàn ông này còn sử dụng thuốc chống đông nên dễ chảy máu hơn bình thường.
Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên phải thao tác cẩn trọng, chính xác. Cùng với đó, ê-kíp cũng phải thường xuyên theo dõi diễn biến của người bệnh trên lâm sàng như: nhịp tim, huyết áp, SpO2, dấu hiệu toàn trạng khác như: tri giác, nhiệt độ, màu sắc da, niêm mạc…", BS Long chia sẻ.
Sau hơn 40 phút tập trung cao độ, "hóa hơi" từng phần một, BS Long đã cắt hết toàn bộ mô tuyến tiền liệt. Ca phẫu thuật đối diện nhiều thách thức từ thể trạng của bệnh nhân được thực hiện thành công.
Trong và sau mổ, bệnh nhân hoàn toàn không đau. Sau mổ 4-5 ngày, bệnh nhân có thể bỏ sonde tiểu và tự tiểu tiện trở lại bình thường. "Ám ảnh" về tình trạng tiểu khó do mô tiền liệt tuyến chèn ép trước đó sẽ được giải quyết hoàn toàn.