Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ

Minh Nhật

(Dân trí) - Tai biến mạch máu não - đột quỵ là một bệnh lý nguy hiểm, thường gặp vào mùa rét. Vì các tế bào não bị tổn thương, bệnh nhân đột quỵ sẽ đối mặt với các di chứng, điển hình là liệt nửa người.

Theo BS Nguyễn Khắc Ninh, Trưởng khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội), sau khi cơn tai biến xảy ra, bệnh nhân sẽ cần phải điều trị bằng cấp cứu nội khoa trong tối thiểu 1 tuần, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được điều trị phục hồi chức năng.

Có nhiều phương pháp để phục hồi chức năng, trong y học cổ truyền, châm cứu là phương pháp chính. Bên cạnh đó, kết hợp với xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, tập vận động…

Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 1

BS Nguyễn Khắc Ninh, Trưởng khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) châm cứu cho bệnh nhân

Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 2

"Đột quỵ trong đông y được gọi là chứng trúng phong. Bệnh gây bế tắc kinh lạc, nên sẽ sử dụng phương pháp châm cứu để điều hòa khí huyết, lưu thông kinh lạc, tuần hành khí huyết, nhằm giảm triệu chứng liệt", BS Ninh phân tích.

Tại khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng hiện đang điều trị phục hồi chức năng cho khoảng 20 bệnh nhân bị liệt nửa người do đột quỵ. Mỗi ngày các bệnh nhân sẽ được châm cứu bằng phương pháp điện châm trong thời gian khoảng 30 phút.

Theo BS Ninh, điện châm là một phương pháp có sự kết hợp giữa y học cổ truyền và kỹ thuật hiện đại. Bằng cách truyền dòng điện 1 chiều qua kim châm, hiệu quả kích thích huyệt đạo sẽ được tăng lên đáng kể so với châm cứu truyền thống, từ đó giúp bệnh nhân nhanh phục hồi hơn.

Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 3

Bộ điều chỉnh dòng điện truyền vào kim châm cứu

"Với phương pháp châm cứu truyền thống, thầy thuốc sẽ vê kim bằng tay để kích thích huyệt đạo. Hiện nay với công nghệ hiện đại, chúng tôi có thể sử dụng dòng điện để thay thế thao tác này, không chỉ giảm đau đớn mà hiệu quả cũng cao hơn nhiều", BS Ninh cho hay.

Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 4

Tùy thuộc vào vị trí huyệt các bác sĩ sẽ lựa chọn loại kim châm có độ dài khác nhau

Để thực hiện điện châm, mỗi bệnh nhân sẽ được châm khoảng 20 huyệt ở cả chân và tay. Số lượng này có thể thay đổi tùy theo tình trạng thực tế của mỗi bệnh nhân. Ví dụ, bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, mất ngủ hay tinh thần chưa tỉnh táo có thể châm nhiều hơn.

Theo BS Ninh, bên cạnh việc tìm đúng vị trí chính xác huyệt cần châm, các bác sĩ cũng phải xác định chiều dài kim châm phù hợp, để đảm bảo châm được vào huyệt.

Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 5

"Các loại kim châm có kích cỡ 5cm, 10cm, 15cm, 20cm, 25cm sẽ phù hợp với từng huyệt. Cần chọn châm kim thích hợp với từng huyệt để kim không bị thừa quá nhiều. Ngược lại nếu kim châm quá ngắn sẽ không thể xuyên tới huyệt", BS Ninh cho hay.

Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 6

Theo BS Ninh thao tác châm kim đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo và kinh nghiệm của bác sĩ. Khi châm, tay trái dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn, căng da vùng huyệt; tay phải châm kim nhanh qua da vùng huyệt. Đẩy kim từ từ tới huyệt, kích thích kim cho đến khi bệnh nhân có cảm giác căng, tức, nặng vừa phải, không đau ở vùng huyệt vừa châm kim, bác sĩ cảm giác kim mút chặt tại vị trí huyệt. Kim càng dài thao tác châm lại càng khó.

Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 7
Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 8

Sau khi châm kim xong, bác sĩ tiến hành kết nối vào máy điện châm, bằng cách nối cặp dây (2 cực) của máy điện châm với kim đã châm vào huyệt theo tần số bổ - tả của máy điện châm.

BS Ninh giải thích: "Sau khi kết nối, tiến hành điều chỉnh tần số ở máy điện châm. Tần số tả cho huyệt cần châm tả, còn tần số bổ cho huyệt cần châm bổ. Với bệnh nhân có dấu hiệu co cứng quá nhiều cần phải giảm bớt tần số, vì nếu rung quá nhanh sẽ khiến cơ co nhiều. Sau khi chỉnh tần số, tiếp tục điều chỉnh cường độ, phụ thuộc vào từng bệnh nhân một".

Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 9

Theo chuyên gia này, mỗi đợt điều trị phục hồi chức năng sẽ kéo dài 4-6 tuần. Với những bệnh nhân bị tổn thương não nhẹ có đến 80% phục hồi tốt trong đợt điều trị đầu tiên.

Xem bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho bệnh nhân đột quỵ - 10

Nếu tình trạng nặng, bệnh nhân có thể điều trị nhiều đợt, giữa mỗi đợt cần có những khoảng nghỉ kéo dài 2-4 tuần. Trong thời gian đó phải duy trì thuốc để phòng các nguy cơ, cũng như có chế độ tập luyện.

"Bệnh nhân dù nặng hay nhẹ thì việc châm cứu cũng có tác dụng hỗ trợ cải thiện chức năng vận động rất nhiều", BS Ninh phân tích.