1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ?

Nam Phương

(Dân trí) - Đột quỵ xảy ra ở những người dưới 45 tuổi được gọi là đột quỵ ở người trẻ. Thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm chiên rán, lười vận động… làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện có sự thay đổi từ các bệnh truyền nhiễm, bệnh nhiệt đới sang mô hình mới chủ yếu là các bệnh liên quan chuyển hóa như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid…. Một trong những hậu quả là bệnh lý mạch máu não, đột quỵ ngày càng tăng lên, ngày càng trẻ hóa. 

Vì sao ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ? - 1
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Bệnh nếu điều trị không tốt để lại hậu quả vô cùng nặng nề, có thể tử vong, trường hợp qua được thì cũng để lại di chứng hết sức nặng nề, là gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội. Vì thế, việc điều trị rất quan trọng. 

Việc điều trị bệnh nhân đột quỵ đòi hỏi sự tiếp cận đa chuyên ngành: nội thần kinh, hồi sức thần kinh, ngoại khoa, can thiệp mạch máu, tim mạch, phục hồi chức năng sau điều trị… 

"Tỷ lệ đột quỵ tăng lên ở người trẻ ngoài do dị dạng mạch máu bẩm sinh thì còn do thay đổi lối sống không rốt. Giới trẻ hiện nay uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm chiên rán, sinh hoạt không lành mạnh… Lối sống đó khiến tỷ lệ xơ vữa mạch máu tăng rất nhanh, sớm, là nguyên nhân quan trọng tổn thương mạch máu não, GS Giang phân tích. 

Vì thế, chuyên gia khuyên người dân cần giữ chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống khoa học, rèn luyện cơ thể đều đặn. 

Theo GS Giang, với bệnh đột quỵ, việc đưa người bệnh sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị được hay không. 6 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng là thời gian vô cùng quý báu để chữa và phục hồi chức năng tốt nhất. Vì thế, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế có khả năng xử lý được càng sớm càng tốt. Người dân cần nhận biết được những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo đột quỵ, vận chuyển người bệnh an toàn và nhanh nhất đến cơ sở điều trị chuyên khoa. 

Vì sao ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ? - 2
Một bệnh nhân đột quỵ đang được tập phục hồi chức năng tại Đơn vị Đột quỵ, khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức.

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết thêm trước đây nhiều người khi biết đến Bệnh viện Việt Đức chủ yếu là đơn vị ngoại khoa phẫu thuật, nhưng nay bệnh viện phát triển thêm mảng nội khoa nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị đột quỵ một cách toàn diện, tạo thuận lợi cho bệnh nhân. 

Với bệnh đột quỵ, yếu tố địa lý rất quan trọng vì trong cấp cứu cứu thời gian là vàng, càng điều trị sớm bệnh nhân càng có cơ hội hồi tốt. 

Tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận 200.000 người bị đột quỵ, gây tử vong đứng hàng thứ 3, gây tàn phế đứng hàng thứ nhất. Để phòng bệnh cần cách tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: không lạm dụng bia rượu, không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống điều độ, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.

Ngoài ra, cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch...

Sáng 25/11, Đơn vị Đột quỵ, thuộc khoa Nội Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chính thức ra mắt. Điều này giúp người bệnh đột quỵ có thêm sự lựa chọn trong bối cảnh ngày càng có nhiều người bị đột quỵ, đặc biệt là có nhiều người trẻ.