1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nam Định:

Xác định nguyên nhân ngộ độc khí khiến hàng loạt công nhân nhập viện

(Dân trí) - Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Nam Định, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều công nhân Công ty Golden Victory Việt Nam phải nhập viện là do ngộ độc khí trong điều kiện môi trường làm việc có dung môi hữu cơ cao.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định, tại xưởng sản xuất tạm thời K1 và xưởng sản xuất X1 - nơi có công nhân bị ngất, đau đầu, buồn nôn phải nhập viện, Công ty Golden Victory Việt Nam bố trí máy móc, trang thiết bị, vị trí lao động với mật độ cao, nhất là ở xưởng X1, máy móc đặt sát nhau, xen lẫn lại bố trí nhiều giá để nguyên phụ liệu, có thể làm giảm hiệu quả thông khí.

Xác định nguyên nhân ngộ độc khí khiến hàng loạt công nhân nhập viện - 1

Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều công nhân Công ty Golden Victory Việt Nam phải nhập viện trong các ngày 14 và 17/10 vừa qua là do ngộ độc khí trong điều kiện môi trường làm việc có dung môi hữu cơ cao.

Tại Công ty có sử dụng hóa chất và dung môi hữu cơ Cyclohexane, Methyl ethyl ketone, Methylcyclohexane, Acetone, Ethyl acetate… do đó người lao động có nguy cơ ảnh hưởng bởi hóa chất và các dung môi sử dụng trong quá trình sản xuất. Đặc biệt khi hệ thống thông gió chưa hiệu quả, người lao động chưa sử dụng các thiết bị bảo hộ thích hợp.

Các dung môi, hóa chất này dễ bay hơi, phát tán ra không khí khi gặp nhiệt độ cao ở một số thiết bị sản xuất như: máy ép, máy sấy. Hệ thống quạt hút và quạt mát phía trên các vị trí người lao động làm việc bố trí chưa phù hợp. Quạt hút được bố trí trên cao hút không khí lên trên, trong khi quạt mát lại đẩy không khí xuống dưới, chưa có hệ thống quạt đưa không khí bên ngoài vào xưởng sản xuất nên hiệu quả thông khí không cao…

Xác định nguyên nhân ngộ độc khí khiến hàng loạt công nhân nhập viện - 2

 Sau khi xảy ra sự viêc vào ngày 17/10, Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam đã tạm thời cho công nhân tạm nghỉ việc, ra khỏi các xưởng sản xuất để niêm phong để cơ quan chức năng xuống hiện trường.

Thông báo của  Công ty Golden Victory Việt Nam gửi tới công nhân cũng thừa nhận, sự cố xảy ra tại các xưởng sản xuất K1 và X1 là do điều kiện lao động chưa đảm bảo.

Liên quan đến sự việc trên, phía cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đã làm việc với đại diện Công ty Golden Victory Việt Nam và yêu cầu doanh nghiệp phải cải tạo hệ thống thông khí tại các phân xưởng sản xuất để đảm bảo lưu thông không khí, tránh những tác động bất lợi đến sức khỏe công nhân.

Đồng thời, yêu cầu Công ty này cần trang bị cho người lao động thiết bị bảo vệ đường hô hấp thích hợp như khẩu trang hoạt tính có thể lọc được hơi khí độc; bố trí mặt bằng sản xuất phù hợp theo hướng giảm mật độ thiết bị và vị trí lao động; tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp, tạo môi trường thông thoáng trước và sau ca sản xuất.

Hiện Công ty này đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất tạm thời K1 sang nhà xưởng X6 có diện tích lớn hơn nhằm giảm mật độ thiết bị, chỗ làm việc và đi lại của người lao động. Xưởng sản xuất này đã được các cơ quan chức năng thẩm định đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, có hệ thống thông thoát gió đảm bảo yêu cầu.

Đại diện Công ty Golden Victory Việt Nam khẳng định, điều kiện sản xuất đã được cải thiện nên từ chiều 22/10 doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất trở lại, công nhân đã trở lại làm việc song chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu người đi làm.

Xác định nguyên nhân ngộ độc khí khiến hàng loạt công nhân nhập viện - 3

Như Dân trí đã thông tin, từ ngày 14 và ngày 17/10, tại Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam, tiếp tục xảy ra tình trạng hơn 20 công nhân có biểu hiện ngộ độc, phía Công ty này phải tạm đóng xưởng để cơ quan chức năng xử lý. Sự cố này khiến nhiều công nhân hoảng loạn, vì nhiều công nhân công ty này đã phải nhập viện điều trị.

Được biết, Công ty TNNHH Golden Victory Việt Nam được xây dựng tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, hoạt động chính thức từ năm 2015. Đây là Công ty có vốn đầu tư 100% nước ngoài, chuyên sản xuất da giày xuất khẩu. Hiện Công ty có khoảng 7.000 công nhân làm việc.

Đức Văn