1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thừa Thiên - Huế:

Xác định "côn trùng lạ" tấn công người là kiến ba khoang

Ngày 10/9, các cơ quan chức năng đã có buổi làm việc với PV Dân trí công bố về “côn trùng lạ” gây bệnh ngoài da trong khu dân cư phường Hương Sơ (TP Huế) trong thời gian qua.

Sau bài phản ánh của Dân trí về tình trạng hàng trăm hộ dân ở khu tái định cư thuộc phường Hương Sơ bị một con giống như kiến tấn công làm mẩn ngứa ngoài da. Càng gãi thì vết thương càng lan rộng, lở loét và nổi mụn nhọt. Nhiều người đã mắc bệnh trong thời gian dài và tỏ ra lo sợ trước tình cảnh này, thậm chí không dám ra ngoài vì sợ mặc cảm bệnh trên người.

Trước tình hình trên, ngay trong sáng thứ bảy (8/9), lãnh đạo Sở y tế Huế đã chỉ đạo các ngành liên quan là Đội Y tế dự phòng TP Huế, Trung tâm phòng chống sốt rét ký sinh trùng côn trùng tỉnh, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, Trạm y tế phường Hương Sơ đến tại khu dân cư nói trên để tìm hiểu, xử lý loại “côn trùng lạ” gây bệnh cho dân.

Qua xác định, Sở Y tế đã chính thức công bố biết đây là loài “kiến ba khoang”. Theo ThS. Nguyễn Mậu Duyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế tỉnh TT-Huế cho biết là loài kiến này cắn vào rất độc vì nọc có độc tố cao, gây bỏng, nếu đập kiến thì nọc có thể lan vào da gây bỏng tiếp, còn nếu mặc áo quần có kiến bò qua cũng có thể gây bỏng. Kiến ba khoang xuất hiện nhiều sau mùa gặt và gặp điều kiện ánh sáng chênh lệch trong ngày thì từ ruộng lúa bay vào nhiều (khu tái định cư nằm sát ruộng lúa, buổi tối có đèn cao áp nên phù hợp cho loài kiến độc này phát sinh). Ở những nhà có không gian rộng thì nếu bị kiến xâm nhập cũng bị bệnh nhẹ hơn so với khu dân cư tập trung đông đúc với diện tích hẹp

Loài côn trùng lạ là kiến ba khoang
Loài "côn trùng lạ" là kiến ba khoang (ảnh: Ngọc Thụ)

Đoàn làm việc đã tiến hành về khám và cấp thuốc cho 145 trường hợp (vì có một số người đi làm nên chưa khám được) bị bệnh, và xác định tất cả đều do kiến ba khoang cắn. Một số người dân thậm chí còn bị bỏng nặng ở vùng quanh mắt là do thường dụi mắt sau khi bị kiến cắn, vết thương từ đó lan rộng nên bỏng nhiều.

Sau đó, đoàn đã trực tiếp phun hóa chất đến từng hộ (218 hộ - PV), phun dọc các hành lang, tường ngoài khu chung cư từ tầng 5 xuống tầng 1. Qua quan sát 2 đêm 8 và 9/9, cho thấy kiến ba khoang đã giảm hẳn với mật độ bay vào khu dân cư ít hơn. Đồng thời, một số côn trùng khác như gián, muỗi cũng bị chết. Bên cạnh đó, đoàn cử các cán bộ đem loa phát thanh về đi khắp khu dân cư phát lên để tuyên truyền cho dân chúng biết nguyên nhân bệnh, cách phòng bệnh, chữa bệnh kiến ba khoang cắn.

Trong sáng 10/9, đại diện 27 trạm y tế phường tại TP Huế đã nhóm họp để nắm tình hình chung về kiến 3 khoang tại phường, và được nghe về cách phổ biến phòng chống trong dân nếu gặp trường hợp này.

Loài côn trùng lạ là kiến ba khoang
Nhiều vết bỏng có tính chất lan rộng nếu gãi vì kiến ba khoang trên cơ thể người dân khu chung cư phường Hương Sơ (ảnh: Ngọc Thụ)

Hiện Sở y tế đã giao cho Trung tâm phòng chống sốt rét ký sinh trùng côn trùng đi khảo sát ở các khu dân cư xung quanh xem có tình trạng người dân bị đốt bởi kiến ba khoang hay không, cũng như theo dõi về ban đêm (vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng trắng buổi tối) tại khu tái định cư phường Hương Sơ để điều tra tiếp diễn biến vụ việc. Sau 2 tuần tới, Sở sẽ tiếp tục đánh giá lại công tác phòng chống để có các biện pháp tiếp theo.

“Về y học đây gọi là bệnh viêm da dị ứng do độc tố của côn trùng. Chúng tôi khuyến cáo người dân vệ sinh, rửa tay chân thường xuyên cho sạch sẽ thì sẽ hạn chế được bệnh. Nếu có bệnh thì hãy đến trạm y tế ngay. Đây là lần đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên – Huế có ổ kiến ba khoang lớn như thế này, gây tác động đến hàng trăm người dân. Trước đây, tình trạng kiến ba khoang cắn người có xuất hiện nhưng ở mức độ nhỏ lẻ, không lớn như lần này”,– ông Duyên cho hay.

Đại Dương